Căn cứ xác định sử dụng đất ổn định là một trong những thủ tục cần phải sớm thực hiện đối với những trường hợp có đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp thì người có đất có thể sử dụng những giấy tờ nào để căn cứ xác định sử dụng đất ổn định?
1. Tại sao phải làm căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định?
Người có đất muốn thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định với mục đích:
Mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
Qua đó, việc sử dụng đất ổn định là cơ sở để cá nhân, hộ gia đình làm căn cứ xác định quyền sở hữu của mình đối với QSDĐ, từ đó có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định, đồng thời giúp người sử dụng đất có chứng nhận khi có tranh chấp xảy ra.
2. 10 loại giấy tờ có thể xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất
Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 104/2022/NĐ-CP) người có đất có thể xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
- Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất.
- Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất.
- Quyết định hoặc bản án của TAND đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất.
- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện UBND xã nơi có đất.
- Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất.
- Thẻ CCCD hoặc CMND hoặc giấy khai sinh; giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký.
Trường hợp không khai thác được thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bổ sung Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
- Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất.
- Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan.
- Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ.
- Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND xã tại thời điểm kê khai đăng ký.
3. Trường hợp sai sót hoặc không có giấy tờ chứng minh
Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định như trên có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
Ngoài ra, nếu người có đất không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất.
Trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.