(2) Cơ quan nhà nước khi mua sắm tài sản công có bắt buộc phải thẩm định giá không?
Theo khoản 16 Điều 4 Luật Giá năm 2023 quy định:
Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
Về tài sản thẩm định giá theo khoản 17 Điều 4 Luật Giá năm 2023 có hiệu lực vào ngày 01/07/2024 quy định như sau:
Tài sản thẩm định giá bao gồm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá theo nhu cầu hoặc các trường hợp pháp luật quy định phải thẩm định giá theo khoản 17 Điều 4 Luật Giá năm 2023.
Như vậy, thẩm định giá tài sản được thực hiện khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cũng như Nhà nước phải thẩm định giá theo hoặc các trường hợp pháp luật quy định.
Căn cứ vào Điều 59 Luật Giá năm 2023 quy định hoạt động thẩm định giá của Nhà nước như sau:
- Thẩm định giá của Nhà nước được lựa chọn thực hiện trong trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc sử dụng phương thức này là một trong các cơ sở để cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét quyết định, phê duyệt giá khi bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước.
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Giá năm 2023 khi lựa chọn phương thức thẩm định giá của Nhà nước có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá của Nhà nước.
- Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước không áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Ngoài ra, thông báo kết quả thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá được sử dụng làm cơ sở để tham mưu cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét quyết định, phê duyệt giá theo quy định của pháp luật có liên quan theo khoản 1 Điều 64 Luật giá năm 2023.
Bên cạnh đó, kết quả thẩm định giá của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá hoặc của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá hoặc các báo giá của các nhà cung cấp được xem là căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo Điều 10 Thông tư 58/2016/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 68/2022/TT-BTC.
Như vậy, các tài sản công khi được cơ quan nhà nước mua mới phải được thẩm định giá, kết quả thẩm định giá sẽ là căn cứ liên quan đến quyết định, phê duyệt và là căn cứ lập kế hoạch trong lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ
(3) Hồ sơ thẩm định giá của Nhà nước
Hồ sơ thẩm định giá gồm có các tài liệu theo quy định tại Điều 66 Luật giá năm 2023, bao gồm:
- Văn bản giao nhiệm vụ bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước.
- Thông tin, tài liệu về tài sản cần thẩm định giá.
- Quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá.
- Các tài liệu do hội đồng thẩm định giá thu thập, phân tích trong quá trình thẩm định giá; các báo cáo chuyên gia, chứng thư thẩm định giá kèm Báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá (nếu có).
- Biên bản phiên họp của hội đồng thẩm định giá; báo cáo thẩm định giá và Thông báo kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
- Tài liệu khác có liên quan đến việc thẩm định giá (nếu có).
Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá để phục vụ lưu trữ.
Tóm lại, khi các cơ quan Nhà nước mua sắm tài sản công phải trải qua bước thẩm định giá tài sản. Kết quả thẩm định giá là căn cứ liên quan đến quyết định, phê duyệt và là căn cứ lập kế hoạch trong lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.