Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu Facebook, Tiktok khoá tài khoản cá nhân không?

Chủ đề   RSS   
  • #610411 10/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 498 lần


    Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu Facebook, Tiktok khoá tài khoản cá nhân không?

    Vừa qua, cơ quan chức năng đã có kiến nghị khoá tài khoản Facebook, Tiktok của ca sĩ Nam Em vì những phát ngôn, hành động của cô trên các trang MXH này. Vậy, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu Facebook, Tiktok khoá tài khoản cá nhân không?

    Thông tin thêm về vụ việc

    Trước đó vào ngày 01/3/2024, ca sĩ Nam Em từng bị phạt 37,5 triệu đồng về hành vi "cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc", tuy nhiên, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Sau khi bị phạt, ca sĩ Nam Em vẫn tổ chức các buổi livestream. 

    Tối ngày 16/3/2024, khi đang livestream cô bất ngờ tiến đến ban công, trèo ra ngoài và không quay vào nhà, khiến nhiều người xem hoang mang. Gần 30 phút sau, livestream được tắt và không có bất kỳ giải thích gì.

    Chiều ngày 09/4/2024, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sau cuộc làm việc với ca sĩ Nam Em vào sáng cùng ngày, đơn vị đã phạt ca sĩ Nam Em 10 triệu đồng vì tiếp tục livestream gây hoang mang. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý ngăn chặn tài khoản Facebook và TikTok "Nguyễn Lệ Nam Em"

    Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu Facebook, Tiktok khoá tài khoản cá nhân không?

    Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

    Theo đó, Facebook, Tiktok là các trang MXH được dùng phổ biến nhất tại Việt Nam, tiếp cận và ảnh hưởng đến nhiều lứa tuổi, thành phần nhất.

    Theo Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email).

    Theo đó, khi phát hiện những hành vi vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có quyền yêu cầu loại bỏ nội dung vi phạm các hành vi bị cấm trên MXH.

    Đồng thời, theo điểm l khoản 1 Điều 5 Luật an ninh mạng 2018, phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật cũng là một trong những biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

    Như vậy, cơ quan chức năng có thẩm quyền phong tỏa, đình chỉ, yêu cầu ngừng hoạt động hệ thống thông tin vi phạm. Tức là, cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu Facebook, Tiktok khoá tài khoản cá nhân.

    Cơ quan nào sẽ khoá tài khoản Facebook, Tiktok cá nhân?

    Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin được hướng dẫn bởi Điều 21 Nghị định 53/2022/NĐ-CP như sau:

    1) Trường hợp áp dụng

    - Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng;

    - Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

    2) Cơ quan thực hiện

    - Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

    - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.

    3) Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp:

    - Báo cáo về việc áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền;

    - Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền;

    - Gửi văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin. 

    Hoặc gửi Trung tâm Internet Việt Nam đề nghị tạm ngừng, thu hồi tên miền theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; văn bản yêu cầu nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và kiến nghị;

    - Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn kịp thời hoạt động của hệ thống thông tin tránh gây nguy hại cho an ninh quốc gia hoặc cần ngăn chặn hậu quả tác hại có thể xảy ra, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản qua fax, email để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin;

    Trong thời gian chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an phải gửi văn bản yêu cầu đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin. 

    Trường hợp quá thời hạn trên mà không có quyết định bằng văn bản thì hệ thống thông tin được tiếp tục hoạt động. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra do việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu, cán bộ thực hiện và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;

    - Việc đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin phải được lập thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm, căn cứ và được lập thành 02 bản. Cơ quan chức năng có thẩm quyền giữ một bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý hệ thống thông tin giữ một bản;

    - Việc tạm ngừng, thu hồi tên miền quốc gia trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan chức năng có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam tạm ngừng, thu hồi tên miền theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

    4) Trách nhiệm nếu khoá tài khoản không có căn cứ

    Việc đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin mà không có căn cứ thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan chức năng có thẩm quyền và cán bộ có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định khoá tài khoản.

    Trong quá trình thực hiện, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin.

    Tổng hợp lại: Theo quy định Luật an ninh mạng 2018, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu Facebook, Tiktok khoá tài khoản cá nhân.

     
    1279 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (11/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận