“Vô tri” là một cách nói vui của giới trẻ ngày nay nói về các hiện tượng vui vẻ, có phần ngớ ngẩn. Nhân sự “vô tri” mang đến không khí vui vẻ cho văn phòng khi làm việc nhưng có phải là lợi thế khi đi ứng tuyển không?…
Nhân sự mang đến “tiếng cười” là gì?
Thuật ngữ “personality hire” dùng để chỉ người có cá tính đặc biệt sôi nổi, có khả năng thúc đẩy văn hóa công ty. Họ còn có thể tác động đến động lực làm việc và tâm trạng của nhiều nhân sự khác trong văn phòng.
Những nhân viên văn phòng được xếp vào nhóm “personality hire” - người được tuyển dụng nhờ có tính cách tốt. Họ không quá giỏi chuyên môn nhưng lại hòa đồng, vui vẻ, dễ kết nối mọi người, theo Worklife.
Đơn cử như trường hợp của nhân viên agency Minh Tuấn (25 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), "no drama" là kim chỉ nam của Tuấn khi đi làm. Tuấn kết bạn với hầu hết đồng nghiệp, kể cả những phòng ban khác nhau. Ngoài ra, anh còn thân thiết với cả những nhân sự thuộc các bộ phận ít tiếp xúc như HR, kế toán, khiến nhiều người trong văn phòng “nể phục". Nhờ khả năng này, anh được cấp trên giao cho các nhiệm vụ "nằm ngoài chuyên môn".
Nam nhân viên được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp đại học và đã gắn bó với công ty hiện tại gần 3 năm. Anh nghĩ khiếu hài hước, khả năng hoạt ngôn của mình là một trong những lý do giúp anh được cộng điểm trong mắt quản lý, dù lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm.
Hay như trường hợp của Thanh Tùng (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trong 4 năm đi làm Tùng đã “nhảy việc” 2 lần. Theo Tùng, thời gian ở văn phòng của anh nhiều hơn ở nhà. Vì thế, yếu tố quan trọng nhất để nhân viên hành chính này lựa chọn một tổ chức là môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện. 8 tiếng mỗi ngày ở công ty của Tùng đều tràn ngập tiếng cười. Anh thường chủ động kể chuyện phiếm, chọc ghẹo đồng nghiệp để giảm thiểu sự căng thẳng, áp lực từ công việc, cấp trên. Anh thường được mời làm hoạt náo viên cho những chuyến du lịch, teambuilding. Tại các sự kiện như YEP, gala dinner, Tùng cũng nghiễm nhiên trở thành MC, pha trò cho đồng nghiệp, lãnh đạo.
Tuy nhiên, sự thân thiện, vui vẻ của Tùng cũng là con dao 2 lưỡi. Nét tính cách này khiến anh ngại tranh luận với đồng nghiệp, hiếm khi thẳng thắn trao đổi các khúc mắc trong công việc. Tránh mâu thuẫn, bất đồng tạo ra môi trường làm việc thân thiện, song không giúp cải thiện chất lượng công việc chung.
“Tôi hiểu rằng không có cãi vã thì không phát triển, nhưng vẫn ngại tranh cãi, không muốn không khí trở nên căng thẳng”, Tùng nói.
Có phải nhân viên "vô tri" sẽ có lợi thế hơn khi tuyển dụng không?
Tùng Anh (31 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), trưởng phòng marketing của một công ty quảng cáo, nhận thấy có không ít nhân sự "vô tri” dưới quyền. Một số cấp dưới của anh ưu tiên sự vui vẻ khi đi làm, coi công ty như nhà.
Tinh thần này của nhân sự giúp môi trường làm việc trở nên thoải mái, bớt áp lực, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng. Song, nhân sự “vô tri” cũng nhiều lần khiến quản lý này trăn trở.
Cụ thể, cấp dưới của anh vô tư trêu chọc nhau, cười đùa tại văn phòng, khiến môi trường làm việc trở nên kém chuyên nghiệp.
Nhân viên của Tùng Anh mất dần sự tôn trọng với nhau và với cả lãnh đạo. Thái độ, tác phong tự do, thoải mái quá đà này khiến trưởng phòng marketing phải nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh.
Ngoài ra, theo quan sát của trưởng phòng marketing này, nhân viên “vô tri” thường có thời gian gắn bó với doanh nghiệp tương đối ngắn. Không có động lực phát triển, họ dễ dàng đưa ra quyết định chuyển đổi môi trường công tác.
Trong khi đó, Thục Anh (31 tuổi, quận 1, TP.HCM), trưởng phòng nhân sự tại một công ty truyền thông, cho biết trình độ vẫn luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi tuyển dụng. Việc ứng viên có tính cách tốt, thân thiện, hài hước là điểm cộng giúp họ tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng, song các yếu tố này không có khả năng tác động đến kết quả phỏng vấn.
Tuy nhiên, Thục Anh cũng nhấn mạnh một nhân sự vui vẻ, năng nổ là một nhân tố mà các công ty đều cần và quan tâm. Những nhân sự này có khả năng khiến tổ chức gắn kết, giúp lãnh đạo, cấp dưới có sự thấu hiểu lẫn nhau, từ đó cải thiện văn hóa doanh nghiệp.
Với các nhân sự có tính cách đó, cô luôn muốn họ phát huy thế mạnh của mình trong công việc lẫn đời sống công sở. Trưởng phòng này cho biết cô cũng luôn quan tâm, nhắc nhở đến hiệu suất làm việc của nhân viên và đề xuất quản lý trực tiếp chấn chỉnh nếu có sự phân tâm, thiếu nghiêm túc.
Như vậy, bên cạnh việc tạo không khí vui vẻ và tạo ra sự gắn kết, mỗi nhân viên khi ứng tuyển một vị trí làm cũng cần có kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt công việc mà mình ứng tuyển. Một nhân sự "vô tri" chưa chắc tốt nhưng một nhân sự có năng lực và tính cách vui vẻ, hòa đồng chắc chắn sẽ được trọng dụng trong doanh nghiệp.
(Theo zingnew)