TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa tuyên phạt Bùi Văn Thành một năm tù treo về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy bị cáo bị truy tố theo khoản 2 của điều luật (khung hình phạt cao nhất đến năm năm tù) nhưng do bị cáo tuổi cao (81 tuổi) và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác nên HĐXX đã tuyên mức án khoan hồng như trên.
Trước đó, cơ quan tố tụng đã khá lúng túng khi xác định tội danh của bị cáo.
Quay lại chiếm nhà
Theo cáo trạng, năm 2005, vợ chồng Thành bán nhà cho một gia đình khác. Thủ tục đã hoàn tất nhưng bên bán không chịu giao nhà. Bên mua khởi kiện đòi nhà và được TAND quận Thủ Đức chấp nhận yêu cầu.
Tiếp đó, bên mua đã bán nhà cho chị Q. Người mua này cũng đến yêu cầu vợ chồng Thành giao trả nhà nhưng không được đáp ứng. Tháng 8-2008, cơ quan thi hành án quận Thủ Đức cưỡng chế, bàn giao nhà cho chị Q. Chị này liền thuê vệ sĩ đến tiếp quản.
Nhưng ngay sau đó, gia đình Thành đã quay lại đuổi các vệ sĩ đi, tái chiếm nhà. Sau khi nhận được đơn tố giác, cơ quan chức năng đã mời Thành đến làm việc, yêu cầu phải trả tài sản cho khổ chủ. Tuy nhiên, Thành vẫn không đồng ý. Thành nại rằng đã bị người khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết để ký vào hợp đồng chuyển nhượng...
Tội nào mới đúng?
Tháng 12-2008, Thành đã bị khởi tố, truy tố về tội không chấp hành án. Tuy nhiên, nghiên cứu hồ sơ, TAND quận Thủ Đức đã không đồng tình với tội danh này. Tòa cho rằng việc thi hành án đã hoàn thành kể từ lúc cơ quan thi hành án ký biên bản bàn giao căn nhà cho chị Q. Đồng thời, vệ sĩ của chị Q. thuê đã tiếp quản căn nhà. VKS truy tố Thành tội không chấp hành án là không đúng. Tòa trả hồ sơ để xác định lại tội danh.
Gần bảy tháng sau, cơ quan tố tụng đã quyết định khởi tố, truy tố Thành về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tại phiên tòa, đại diện VKS khẳng định: “Việc truy tố bị cáo tội chiếm giữ trái phép tài sản là hoàn toàn có cơ sở, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội”.
Thế nhưng luật sư bào chữa cho rằng: “Tội chiếm giữ trái phép tài sản được xác định khi người phạm tội có hành vi chiếm giữ tài sản không có căn cứ do được giao nhầm, tìm được, bắt được mà không chịu trả lại dù đã được yêu cầu phải trả. Bị cáo chiếm giữ căn nhà không do người khác giao nhầm, không do tìm được, bắt được nên xác định tội danh trên đối với bị cáo là không chính xác”.
Luật sư yêu cầu HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản và bồi thường cho bị cáo do bị tạm giam oan.
Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận quan điểm bào chữa trên của luật sư. HĐXX nhận định việc buộc tội của đại diện VKS là có cơ sở. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản người khác. Bị cáo đã phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản…
#e6e6fa; margin: 5px; width: 400px; border-collapse: collapse;border: black 1px solid;" cellspacing="5" cellpadding="0" align="center"> Dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở Qua nội dung trên, tôi cho rằng các cơ quan tố tụng quận Thủ Đức đã không chính xác khi xác định bị cáo Thành phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tội chiếm giữ trái phép tài sản nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu. Dấu hiệu bắt buộc về mặt khách quan là tài sản bị chiếm giữ có được từ việc bị giao nhầm, do bị cáo tìm được hoặc bắt được (nhặt được) nhưng bị cáo không trả lại... Đồng thời, khi xác định nhóm tội này có một nguyên tắc chung là đối tượng bị tác động không thể là bất động sản. Ví dụ không thể cướp, trộm, cướp giật… đối với nhà cửa, đất đai. Hành vi của bị cáo rõ ràng là phạm tội và tôi cho rằng xử lý bị cáo về tội xâm phạm chỗ ở của công dân mới hợp lý. Thạc sĩ PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM |