Trên thực tế, trong quá trình sinh sống và làm việc, công dân không còn cư trú thực tế tại địa chỉ thường trú của họ nữa. Mà theo quy định Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp tại nơi thường trú của công dân.
Như vậy, công dân có phải đăng ký kết hôn tại địa phương đã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mình hay không? Nếu công dân muốn đăng ký kết hôn tại nơi đang đăng ký tạm trú thì có được không?
Quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn theo pháp luật hộ tịch
Theo Điều 17 Luật hộ tịch 2014 có quy định:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
- Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
+ Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
+ Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch."
Theo khoản 1 Điều 11 Luật cư trú 2020 về nơi cư trú của công dân: Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
Như vậy, từ các quy định trên, công dân Việt Nam được đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú.
Quy định về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo pháp luật hộ tịch
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Như vậy, về nguyên tắc, công dân Việt Nam có nơi thường trú thì phải thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú, không được thực hiện tại nơi tạm trú
Từ quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn theo pháp luật hộ tịch và về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nêu trên, công dân Việt Nam có thể đăng ký kết hôn ở nơi khác với nơi làm giấy xác nhận độc thân. Tức trường hợp công dân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở nơi thường trú nhưng yêu cầu đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú.
Cần lưu ý gì khi đăng ký kết hôn ở nơi khác với nơi làm giấy xác nhận độc thân?
Theo mẫu tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ban hành theo Thông tư 04/2020/TT-BTP có nội dung hướng dẫn tại phần chú thích như sau:
"(5)(...)Trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn, thì phải ghi rõ kết hôn với ai (họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; giấy tờ tùy thân; nơi cư trú); nơi dự định đăng ký kết hôn."
Nếu nội dung "nơi dự định đăng ký kết hôn" trên Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người nam và người nữ không trùng khớp với nơi cả hai nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thì có khả năng hồ sơ của cả hai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Tóm lại, khi công dân Việt Nam xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở nơi thường trú nhưng muốn đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú, tại tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo mẫu quy định công dân cần ghi rõ thông tin nơi dự định đăng ký kết hôn là “Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn” nơi công dân tạm trú.