Có phải bạo lực gia đình ngày nay bắt nguồn từ quan điểm "thương cho roi cho vọt"?

Chủ đề   RSS   
  • #610077 29/03/2024

    rosemary.26

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:27/02/2024
    Tổng số bài viết (2)
    Số điểm: 10
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Có phải bạo lực gia đình ngày nay bắt nguồn từ quan điểm "thương cho roi cho vọt"?

    Thương cho roi cho vọt là gì?

    Đây là câu tục ngữ mà ông cha ta đã để lại cho con cháu đời sau để răn dạy và giáo dục con cái.

    Thương cho roi cho vọt nghĩa là cho đòn roi mới là yêu là thương. Vì thấy hư muốn dạy con tốt lên thì mới làm như vậy. Còn ngược lại ghét con thì cứ nuông chiều con, cho con thích làm những điều mình thích thì sẽ làm hư con thôi.

    Câu nói này được mở rộng phạm vi hơn là khi người ta thực lòng muốn bạn tốt lên thì mới nghiêm khắc, thẳng thắn phê bình những nhược điểm để bạn có thể nhận ra và sửa chữa hoàn thiện mình tốt hơn.

    Còn đối với những người ghét bạn thì họ cứ tâng bốc, không quan tâm hay khen ngợi những điều bạn làm để bạn không biết cách sửa chữa và dần dần năng lực bạn sẽ kém đi do không nhận ra được nhược điểm mà hoàn thiện bản thân.

    Có phải bạo lực gia đình ngày nay bắt nguồn từ quan điểm "thương cho roi cho vọt"? Hành vi nào được xem là bạo lực gia đình?

    Không ít người cho rằng "bạo lực gia đình" bắt nguồn từ câu tục ngữ dân gian “thương cho voi cho vọt” và cho đó là quan niệm văn hóa truyền thống, là phương châm phổ biến trong nuôi dạy trẻ em của nhiều thế hệ ở Việt Nam.

    Việc “đổ thừa” này khiến cho câu tục ngữ trên “bị hàm oan”. Thật ra “Thương cho roi cho vọt/ghét cho ngọt cho bùi” đầy đủ phải có hai vế như trên. Không gian bao hàm của nó rộng lớn hơn nhiều, chứ không nhằm chỉ riêng về việc giáo dục con cái trong phạm vi gia đình. Câu tục ngữ với các cụm từ đi cùng nhau thương – roi vọt, ghét – ngọt bùi. Đây là một một nhận định rút ra từ thực tế cuộc sống.

    Suy rộng ra, ông bà ta muốn nhắc nhở mọi người nên cẩn thận trước những lời lẽ ngọt ngào êm tai, lời khen sáo rỗng hoặc lời tâng bốc xu nịnh đến tận mây xanh kiểu “Mật ngọt chết ruồi” vì trong nhiều trường hợp, đó là cách đối xử không thật lòng của những người “ghét” ta.

    Chẳng qua họ thảo mai, ve vuốt, tâng bốc, nói những lời ngọt ngào, bùi tai khiến ta chủ quan, mụ mị, càng ngày càng sai mà thôi. Đồng thời nên xem xét kỹ những lời nói có vẻ khó nghe, đóng góp thẳng vào những khuyết điểm,hạn chế, hay sai trái của ta theo kiểu “lời thật mất lòng” hay “thuốc đắng dã tật” nếu như qua đó ta có cơ hội sửa chữa để trở nên hoàn thiện hơn. 

    Trở lại với việc xưa nay một số người “lên án” câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt/ghét cho ngọt cho bùi” là cái gốc của bạo lực gia đình.

    Thật ra, với con cái không cha mẹ nào "ghét" và càng không cha mẹ nào muốn áp dụng "thủ đoạn" cho "ngọt bùi" như một cách "ám hại" con mình. Còn "roi vọt" được sử dụng trong răn dạy con cháu của người xưa nên hiểu một cách nhẹ nhàng là "bị đòn". Một hình ảnh đã đi vào thơ ca nhạc họa là những trận đòn mang dấu ấn tuổi thơ: Nhớ những ngày trốn học bị đòn roi (thơ Giang Nam).  

    Không nên gán cho đòn roi là nguồn gốc hay đồng nghĩa với bạo lực. Đòn roi đúng nghĩa trong răn dạy con cái của ông bà ta là hết sức nhân văn và đầy tình yêu thương, đồng thời có một tác dụng giáo dục nhất định.

    Về bản chất lẫn hình thức, đòn roi hoàn toàn khác xa với bạo lực gia đình.

    Tóm lại, đòn roi của bố mẹ ngày trước hoàn toàn khác với những hành vi ngược đãi bạo lực con cái và hành vi đó của một số ông bố bà mẹ thời nay cần được lên án, bài trừ.

    Bên cạnh đó, tại Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về những hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

    - Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

    - Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    - Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

    - Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

    - Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

    - Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

    - Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

    - Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    - Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

    - Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

    - Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

    - Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

    - Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

    - Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

    - Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

    - Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

    bao-luc-gia-dinh

    Mức phạt hành chính việc bố mẹ đánh đập con cái từ quan điểm thương cho roi cho vọt?

    Mức phạt hành chính việc bố mẹ đánh đập con cái từ quan điểm thương cho roi cho vọt theo quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    (1) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

    (2) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    - Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

    - Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

    (3) Biện pháp khắc phục hậu quả:

    - Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

    - Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

    Như vậy, đối với hành vi bạo lực gia đình bố mẹ đánh đập con cái; ở mức nhẹ thì bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra còn phải buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân yêu cầu và chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.

     
    1860 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận