Hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh sử dụng phương pháp “treo thưởng” hoặc “trả công” cho con bằng tiền, khi con đạt kết quả cao trong học tập cũng như hoàn thành việc nhà. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng đây là phương pháp hữu hiệu nhất để con có động lực hoàn thành tốt mọi việc. Liệu rằng điều này hoàn toàn đúng?
Có một trường hợp đươc cộng đồng mạng lan truyền gần đây về cách khuyến khích con làm việc nhà bằng “bảng giá”. Cụ thể người mẹ chia sẻ rằng, Chị tạo ra một bảng giá ứng với từng việc nhà cụ thể: rửa chén 20k, quét nhà 10k, lau nhà 20k, giặt đồ 20k…. Chị nói rằng từ ngày có bảng giá, con gái của chị tháo vác hơn, việc gì cũng làm nhanh gọn , không than vãn như trước nữa. Bằng cách treo thưởng như vậy đã tạo động lực cho con chủ động hoàn thành tốt mọi công việc nhà.
Một phụ huynh khác lại chia sẻ, Anh treo thưởng cho con trai mình, nếu đạt điểm cao trong học tập sẽ thưởng tiền, cụ thể 9 điểm sẽ được 10k, 10 điểm thì được 20k. Anh không ngờ rằng biện pháp này có tác dụng mạnh như thế. Cậu con trai ham chơi, lười học trở nên chăm chỉ cẩn thận hơn hẳn, tuần nào cũng có điểm 9 và 10. Tuy nhiên thời gian này không kéo dài được lâu, khoảng 02 tháng sau, đâu lại vào đó, cậu con trai lại chểnh mảng, Anh phát hiện mỗi lần bị điểm kém, bé lại tìm cách giấu diếm, không cho ba mẹ xem bài vở của mình nữa. Anh than thở: “không biết có nên tăng mức thưởng lên hay không? Hay dùng một biện pháp khác?”
Bản thân mình nghĩ rằng, con người ta khi được treo thưởng dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều thích và có động lực mạnh mẽ. Tuy nhiên cách thưởng bằng tiền áp dụng thường xuyên lâu dài có thể hình thành cho trẻ tính thực dụng, chỉ cố gắng thực hiện việc đó khi nhận được tiền. Hơn nữa, làm như vậy trẻ sẽ không nhận thức được những việc đó (việc nhà, cũng như học tập) chính là trách nhiệm của bản thân, phải tự giác làm.
Các bậc phụ huynh có rất nhiều cách tích cực để khuyến khích con, thực ra trẻ rất thích làm việc nhưng thường không được như ý người lớn và thường bố mẹ sẽ chọn làm thay con hoặc dùng cách nào đó để ép con mình làm theo mình.
Trong khi đó, ba mẹ có thể cùng làm với con, tạo cơ hội để con có thể làm những công việc mà bản thân chúng mong muốn, yêu thích trước. Việc học tập cũng vậy, cần tìm hiểu lý do vì sao con không học tốt, vì sao lại chểnh mảng rồi từ từ cùng với bé khắc phục.