Chào bạn,
Theo quy định tại Điều 38 và Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 trong trường hợp người lao động sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định. Thì trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động.
Theo đó người sử dụng lao động sẽ phải lập giấy giới thiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động giao cho người lao động.
Như vậy, trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải giới thiệu cho người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động. Còn việc sau khi được giới thiệu có đi giám định hay không là quyền của người lao động. Do đó, trường hợp này cho dù người lao động không muốn đi khám thì công ty vẫn phải làm giấy giới thiệu cho người lao động. Nếu công ty bạn chỉ làm cam kết người lao động từ chối giám định mà không làm giấy giới thiệu cho người lao động đi giám định sẽ có rủi ro cho công ty của bạn là bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Thông tin trao đổi cùng bạn!