Có được thay đổi tên vì xấu hay không? Thủ tục như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #605547 21/09/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1701 lần


    Có được thay đổi tên vì xấu hay không? Thủ tục như thế nào?

    Hiện nay, người dân quan tâm đến việc họ tên của mình nhiều hơn, có thể về mặt phong thủy hay tên đẹp, tên xấu. Vậy trường hợp nếu trên 18 tuổi và có nhu cầu đổi tên vì tên xấu thì có được hay không?

    Những trường hợp nào được thay đổi tên?

    Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thay đổi tên, trong đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

    - Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

    - Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.

    - Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.

    - Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.

    - Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi.

    - Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.

    - Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

    Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên người dân có quyền yêu cầu cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền công nhận thay đổi tên. Tuy nhiên, nếu trường hợp chỉ vì tên xấu, bản thân không thích thì không được quyền thay đổi. 

    Trường hợp, nếu tên xấu đó ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của của người đó thì tên xấu có thể được đổi sang tên khác. Khi đó, người yêu cầu đổi tên phải cung cấp giấy tờ làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

    Hướng dẫn thủ tục thay đổi tên

    - Cơ quan có thẩm quyền

    Đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước thì theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch 2014, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên.

    - Trình tự thực hiện

    + Người có yêu cầu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc.

    + Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai của giấy tờ trong hồ sơ.

    Cách thức thực hiện: Người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện; có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện có thẩm quyền.

    - Thành phần hồ sơ:

    Giấy tờ phải xuất trình gồm:

    + Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

    + Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký trong trường hợp cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc không phải tại UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

    Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

    - Giấy tờ phải nộp gồm:

    + Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu.

    + Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

    + Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người ủy quyền.

    - Thời hạn giải quyết: 3 ngày làm việc đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 6 ngày làm việc.

     
    2317 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (09/11/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận