Gần đây, trên MXH xuất hiện hình ảnh gia đình nọ phải kẻ hẳn một ô rộng bằng sơn với nội dung “Xe nhà đậu” để đánh dấu chỗ đậu xe trước cửa nhà mình vì thường xuyên bị người lạ chiếm chỗ đậu xe. Tuy nhiên hành vi tự ý kẻ ô này thực chất là đã vi phạm pháp luật!
Sử dụng phần đường trước nhà làm chỗ để xe - Minh họa
Theo ý kiến của gia đình này và nhiều bạn đọc, phần đường trước nhà phải được xem là phần thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình, nên việc phân định rõ như vậy hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, cần phải làm rõ quy định pháp luật liên quan trong trường hợp này.
Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Đặc biệt, lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong 2 trường hợp dưới đây:
- Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
- Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Việc sử dụng lòng đường trong các trường hợp này cũng phải xin phép UBND cấp tỉnh tại địa phương.
Dễ thấy trường hợp tự ý sử dụng phần lòng đường này hoàn toàn là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Tại Điểm b, Khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi “Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố” để thực hiện hành vi gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân.
Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi chiếm dụng phần đường xe chạy gây thiệt hại cho người khác trong một số trường hợp nhất định như làm chết người, gây thiệt hại về tài sản,… thì tùy mức độ có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Đối với tội này, hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù!
Khi gặp phải những trường hợp như gia đình trong câu chuyện, cách xử lý hợp lý nhất là thông báo với chính quyền địa phương hoặc thỏa thuận trực tiếp với những người đậu xe trước của nhà, bởi lẽ chính hành vi đậu xe của những người đó đã có thể bị xem là vi phạm pháp luật!