“Cò bảo hiểm” một hình thức trục lợi bảo hiểm mới

Chủ đề   RSS   
  • #592219 06/10/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần


    “Cò bảo hiểm” một hình thức trục lợi bảo hiểm mới

    Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những BHXH nhằm hỗ trợ người người lao động đang trong thời gian không có việc làm qua đó góp phần hỗ trợ phần tiền trang trải cuộc sống cho đến khi tìm được việc làm mới.
     
    Hiện nay, một loại hình trục lợi bảo hiểm mới vừa được phát hiện và có hành vi khá kín đó là “cò bảo hiểm”. Có thể hiểu như sau, các cá nhân này sẽ hướng dẫn người lao động đang thất nghiệp làm hồ sơ rút tiền bảo hiểm, khi nhận được số tiền này sẽ chia cho bên môi giới một phần.
     
    co-bao-hiem-mot-hinh-thuc-truc-loi-bao-hiem-moi
     
    Việc lợi dụng này đa phần nhắm đến các đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, không biết làm thủ tục nhận tiền và có kiến thức pháp luật hạn chế. Qua đó, bên “cò” có thể dễ dàng lừa gạt số tiền bảo hiểm một cách dễ dàng.
     
    Đặc biệt, phạm vi thực hiện của các đối tượng này đa phần ở các thành phố lớn và có nhiều lao động như TP.HCM, Hà Nội hay Bình Dương, Hải Phòng,... Để thực hiện việc môi giới bảo hiểm ăn chặn tiền thất nghiệp của người lao động. Vậy hành vi trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thế nào?
     
    1. “Cò bảo hiểm” có phải là môi giới bảo hiểm?
     
    Nghe qua hai danh từ này có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng nó là một loại hình hoạt động. Tuy nhiên, theo Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2019) không có quy định về “cò bảo hiểm” mà chỉ giải thích môi giới bảo hiểm như sau:
     
    Hoạt động môi giới bảo hiểm là việc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.
     
    Theo quy định này thì môi giới bảo hiểm là một loại hình hoạt động được pháp luật công nhận, thường thực hiện tư vấn miễn phí cho bên mua bảo hiểm.
     
    Tuy nhiên, đối với BHTN thì người lao động chỉ cần đến trung tâm BHXH để được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp cũng như tư vấn những dịch vụ khác miễn phí. Vì đây là số tiền bảo hiểm bắt buộc mà người lao động từng đóng khi làm việc tại doanh nghiệp trước đó mà không cần phải có môi giới bảo hiểm.
     
    Còn “cò bảo hiểm” có thể hiểu là những cá nhân hoạt động môi giới tự phát với ý đồ trục lợi bảo hiểm từ tiền thất nghiệp của người lao động bằng việc giúp đỡ làm hồ sơ nhận tiền, qua đó ăn chặn tiền của người lao động.
     
    2. Nghiêm cấm hành vi ăn chặn tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp
     
    Theo sự việc trên, trong hoàn cảnh thất nghiệp và thiếu thốn về vật chất mà người lao động không biết được thủ tục nhận tiền hỗ trợ thế nào thì họ cũng đang bị đặt vào tình trạng cần gấp tiền để trang trải cho cuộc sống. Trong hoàn cảnh này thì lời đề nghị từ bên cò sẽ rất dễ thỏa thuận giao dịch chia tiền với người thất nghiệp để làm hồ sơ.
     
    Theo đó, tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các hành vi có liên quan đến hoạt động BHXH sẽ bị nghiêm cấm bao gồm:
     
    - Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
     
    - Chậm đóng tiền BHXH, BHTN.
     
    - Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN.
     
    - Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN.
     
    - Sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN không đúng pháp luật.
     
    - Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
     
    - Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN.
     
    - Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về BHXH, BHTN.
     
    Như vậy, hành vi “cò bảo hiểm” như trên đã vi phạm quy định cấm của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, qua đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi này.
     
    3. Xử lý hành chính hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm
     
    Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cá nhân có hành vi thực hiện lừa đảo môi giới chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền từ 03 triệu - 05 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
     
    - Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.
     
    - Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác.
     
    Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
     
    Lưu ý: Đối với tổ chức có hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm thất nghiệp như cá nhân sẽ bị xử phạt gấp 02 lần.
     
    4. Truy cứu trách nhiệm sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 
     
    Theo đó, trường hợp mà người hành nghề “cò bảo hiểm” phạm tội sử dụng thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) với các khung hình sự sau:
     
    Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản từ 02 triệu - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:
     
    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
     
    - Đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
     
    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
     
    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
     
    Khung 2: Phạt tù từ 02 năm - 07 năm:
     
    - Có tổ chức.
     
    - Có tính chất chuyên nghiệp.
     
    - Chiếm đoạt 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng.
     
    - Tái phạm nguy hiểm.
     
    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
     
    - Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
     
    Khung 3: Phạt tù từ 07 năm - 15 năm:
     
    - Chiếm đoạt  200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
     
    - Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
     
    Khung 4: Phạt tù từ 12 năm - 20 năm hoặc tù chung thân:
     
    - Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
     
    - Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
     
    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
     
    Như vậy, hành vi “cò bảo hiểm” như hiện nay là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm, mức phạt hành chính có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu hoặc truy cứu hình sự cao nhất là chung thân.
     
    564 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (07/10/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận