Chuyện luật tây - luật ta

Chủ đề   RSS   
  • #399884 18/09/2015

    Chuyện luật tây - luật ta

    Hơn 200 năm trước, ngày 21/3/1804 Tòa án tối cao nước Pháp cho công bố Bộ Luật Dân sự. Bộ Luật này được biên soạn dưới sự chỉ đạo của đích thân Hoàng đế Napoleon  Bonaparte. Điều thú vị là ý tưởng về bộ luật này lại được Napoleon thai nghén khi đang ngồi tù. 

    Cho đến ngày nay giới trẻ, các giáo viên, nhà văn vẫn được khuyến khích đọc Bộ Luật Dân sự Napoleon để luyện cách nói, cách viết sao cho khúc chiết, dễ hiểu, vừa bảo đảm tính hàn lâm, vừa khiến cho giới bình dân cũng có thể hiểu nội dung hàm chứa trong từng điều luật.

    Dù thế giới đã trải qua những biến động sâu sắc, những cuộc chiến, những cuộc cách mạng làm thay đổi cơ bản nhận thức của con người về tự nhiên và xã hội thì hơn 1.000 điều trong số 2.283 điều của Bộ Luật vẫn được giữ nguyên cho đến hôm nay.

    Điều đáng nói là Ủy ban soạn thảo Bộ Luật Dân sự năm 1804 chỉ có bốn thành viên là bốn vị luật gia nổi tiếng làm việc dưới sự chỉ đạo của Napoleon chứ không phải là nhiều ban bệ, nhiều công đoạn như cách làm luật của chúng ta ngày nay. 

    Hơn 2 nghìn điều của Bộ Luật được soạn thảo trong vòng 2 năm và được trình lên Tòa án Tối cao và các Toà phúc thẩm để xem xét chứ không phải là trình ra Quốc hội. Hơn 200 năm qua Bộ Luật Napoleon vẫn được xem là giáo đường pháp luật.


    Làm luật – chuyên nghiệp hay nghiệp dư? (Ảnh: quangngai.gov.vn)

    Đối chiếu với cách làm luật của các nước phương tây, có thể nói cách làm luật của chúng ta trong một chừng mực nào đó vẫn là cách làm luật nghiệp dư khi tham gia soạn thảo dự án luật là đội ngũ công chức các Bộ, những người này không nhiều người tốt nghiệp các trường thuộc khối tư pháp.

    Mặt khác các Đại biểu Quốc hội, những người có quyền biểu quyết thông qua luật, đa số không phải thuộc giới luật gia. 

    Yêu cầu những người không được đào tạo bài bản về pháp luật, không có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực luật pháp chịu trách nhiệm soạn thảo và thông qua luật rõ ràng là không hợp lý. 

    Có thể có Bộ trưởng giỏi, Chủ tịch tỉnh giỏi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ cũng là luật gia giỏi. Khi có nhiều người không chuyên về luật tham gia làm luật và quyết định số phận của luật thì tính nghiệp dư của luật là điều có thể dự báo. 

    Luật Bảo hiểm xã hội vừa được ban hành đã bị người lao động phản đối là một ví dụ cho tính nghiệp dư này.

    Tính nghiệp dư còn thể hiện ở ngôn ngữ luật, các từ ngữ trong văn bản luật đôi khi còn mang tính khẩu hiệu, không cần thiết và không phải ngôn ngữ luật, chẳng hạn các từ “vinh dự, thiêng liêng, vinh quang…” không nên đưa vào văn bản luật.

    Một trong những vấn đề được nhiều vị lãnh đạo quan tâm, cũng được đề cập trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành là “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích”. Câu hỏi cần phải đặt ra là: “có hay không sự tác động, hay chi phối quá trình làm luật của các “nhóm lợi ích?”. 

    Về khái niệm “nhóm lợi ích”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng “nhóm lợi ích có thể hiểu là nhóm người có chức quyền câu kết với nhau nhằm trục lợi cá nhân, điều này là trái với luật pháp, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân. 

    Thái độ của Đảng và Nhà nước với nhóm lợi ích đã được xác định rất rõ ràng là kiên quyết loại bỏ nhóm lợi ích ra khỏi đời sống xã hội 
    (TTXVN) ”. [1]

    Trên thế giới, các nhóm lợi ích bằng mọi cách, công khai hay bí mật đều muốn đạt được từ Nhà nước hoặc là các ưu đãi về chính sách thông qua việc ban hành luật, các quy định trợ cấp, quyền độc quyền…, hoặc là sự ưu ái của các quan chức thực thi chính sách nhằm giành giật các hợp đồng, sự bảo lãnh từ phía Nhà nước, sự cứu giúp khi xảy ra thảm họa…

    Trả lời câu hỏi quá trình làm luật có bị chi phối bởi “nhóm lợi ích” hay không là điều rất khó, nếu không nói là không thể. Tuy nhiên có thể nhìn nhận vấn đề qua sự việc sau đây: 

    Luật Giáo dục nghề nghiệp mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành quy định người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành (Khoản 1, Điều 38). 

    Trên thế giới học vị kỹ sư rất được coi trọng, tại Cộng hòa Séc, Luật Giáo dục mới quy định thuật ngữ “Kỹ sư” (inženýr) được cấp cho người có trình độ tương đương thạc sĩ. 

    Tại hầu hết các trường đại học theo hướng kỹ thuật, muốn được cấp học vị kỹ sư người học phải qua quá trình đào tạo 5 năm chứ không phải 3 năm (cao đẳng) như Luật Giáo dục nghề nghiệpViệt Nam quy định. 

    Chỉ một ví dụ nhỏ nêu trên cho thấy việc thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp hình như là hơi vội vàng bởi các nhà khoa học, các nhà giáo dục và Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam vẫn còn rất nhiều ý kiến phản biện. 

    Phải chăng việc cấp bằng kỹ sư cho người học Cao đẳng hay việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội "chen ngang” vào việc đào tạo giáo viên phổ thông qua việc quản lý hai trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Nam Định, Vinh) ngoài mục đích thu hút người học vào các trường do Bộ LĐTB&XH quản lý thì cũng còn là cách để bộ này chia sẻ nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư cho Giáo dục?

    Thêm một ví dụ nữa về tính nghiệp dư là tranh luận gần đây trong nghị trường về quy định đền bù oan sai, có đại biểu Quốc hội cho rằng “đấu tranh cho công lý, gặp án oan phải bán nhà đền thì cán bộ xin nghỉ hết…” hay “Con dại cái mang, nước nào cũng lấy ngân sách để đền bù oan sai…”.

    Ý kiến này rõ ràng nhằm bảo vệ “một nhóm người” chứ không phải xuất phát từ quyền lợi của người đóng thuế bởi ngân sách nhà nước chính là thuế mà người dân đóng góp.

    Điều 1382, 1384 Bộ Luật Dân sự Napoleon quy định: 

    Bất cứ hành vi nào của một người mà gây thiệt hại cho người khác, thì người gây ra thiệt hại do lỗi của mình phải bồi thường thiệt hại”; 

    Mỗi người phải chịu trách nhiệm không những về những thiệt hại do mình gây ra mà cả những thiệt hại do những người mà mình phải chịu trách nhiệm hoặc những vật mà mình coi giữ gây ra…”. [2]

    Theo đó, người gây ra thiệt hại cho người khác trong các vụ án oan là người xử án, là người điều tra và người giữ quyền công tố, họ đại diện cho luật pháp chứ không phải Nhà nước, họ là người phải chịu bồi thường chứ không phải Nhà nước, người đóng thuế không phải bồi thường thay cho sự vi phạm pháp luật của họ.

    Nếu biết các điều nêu trên thì có lẽ vị đại biểu Quốc hội nọ sẽ không quá “mạnh dạn” khi nói đến chuyện “bán nhà đền” và những người xử án chắc không dám “yên tâm” xử một cách tùy tiện.

    Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình tố tụng là luật ban hành có nhiều kẽ hở, kẽ hở dễ bị lợi dụng nhất là khoảng dung sai quá lớn trong các hình phạt. 

    Ví dụ, khoản 1 điều 98 Luật Hình sự: Tội vô ý làm chết người “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. 

    Năm năm là gấp mười lần sáu tháng, vậy tội phạm sẽ bị tù bao nhiêu tháng, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khâu điều tra, xét xử.

    Có thể có những tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ nhưng không thể với cùng tội danh mà có người bị xử mức tù nặng gấp mười lần người khác. 

    Chừng nào còn những quy định như vậy thì chừng đó còn chuyện hối lộ, chạy án, còn là khe hở để người ta lách luật và đó chính là nguyên nhân làm tha hóa một bộ phận cán bộ thực thi công vụ.

    Kẽ hở thứ hai là những quy định không rõ ràng, khiến người ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

    Về điều này, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cho thấy những điều mà dư luận xã hội dù biết song vẫn ngại đề cập: “Không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được". [3]

    Một lần nữa lại phải viện dẫn Luật Dân sự của Pháp, điều 673 quy định: “Chủ sở hữu bất động sản có quyền buộc bên hàng xóm phải cắt bỏ các cành cây mọc vươn sang đất của mình. Nếu hoa quả ở các cành cây tự nhiên rụng xuống thì chủ sở hữu đất bị cành cây vươn sang được hưởng”; 

    Điều 681 viết: “Chủ sở hữu bất động sản phải lắp đặt mái nhà sao cho nước mưa chảy vào đất nhà mình hoặc đường công cộng, không được để nước mưa chảy vào đất của bên hàng xóm”. [2]

    Luật của các nước chi tiết đến như thế, tại sao chúng ta không làm được, do không có điều kiện tham khảo, do không có thời gian, do thiếu các kỹ năng lập pháp hay còn do nguyên nhân nào khác khiến cho các điều luật cứ phải “chung chung”, cứ phải “vận dụng”?

    Khi một điều luật “quy định chung chung” thì phần thiệt thòi bao giờ cũng là người dân. Với các phiên tòa mà sự tranh tụng chỉ là hình thức, khi án đã được “bỏ túi” thì điều gì sẽ xảy ra?

    Phải đặt câu hỏi này bởi vì không phải ai cũng có tiền thuê luật sư, không phải tất cả luật sư đều dũng cảm đứng về phía công lý, không phải tất cả những người tham gia tố tụng đều liêm khiết và… không phải đồng tiền không có ý nghĩa gì với những kẻ thoái hóa, biến chất.

    Một khi các điều luật được soạn thật chi tiết, với lời văn dễ hiểu, một khi khung hình phạt không có dung sai quá lớn thì cơ quan xử án hoặc cơ quan kiểm tra không thể “tự ý cụ thể hóa bằng quan điểm cá nhân để buộc người ta vào tội cố ý, buộc người ta thiếu trách nhiệm” như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu. [3]

    Về điều này, có thể lấy một số quyết định xử phạt hành chính của cơ quan chức năng vừa qua để xem xét. Quyết định xử phạt ghi lý do phạt là “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng…”. 

    Có thể thấy ngay đây đúng là một lý do rất “chung chung” bởi trong quyết định, cơ quan xử phạt không hề chỉ rõ “sai sự thật” ở chỗ nào, “gây ảnh hưởng nghiêm trọng” cho ai, như thế nào…

    Hậu quả của những quyết định với lý do không rõ ràng như thế là không ít đối tượng bị xử lý dù không phản đối song không tâm phục, khẩu phục.

    Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo dự án luật mà cao nhất là trách nhiệm của Quốc hội là không để tồn tại cũng như sẽ xuất hiện các văn bản luật với những điều khoản không rõ ràng, có thể vận dụng một cách tùy tiện. 


    Liệu có nên để kẻ phạm tội bị xử tử hình lúc 20 tuổi ra tù lúc 50 tuổi hay không? Lấy gì đảm bảo rằng những kẻ mất nhân tính đến mức bị án tử hình sau khi ra tù sẽ không tiếp tục phạm tội?Chẳng hạn với tội phạm bị án tử hình được đặc xá giảm xuống chung thân, nếu lại tiếp tục được đặc xá thì sau vài chục năm có thể ra tù.


    Có lẽ đã đến lúc, cùng với việc công bố văn bản dự án luật, Quốc hội cũng nên công bố thành phần ban soạn thảo dự án để nhân dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình. Việc công bố này cũng còn là cảnh báo để người soạn thảo thận trọng trước khi danh tiếng được dư luận nhắc nhở.

    Một đạo luật được soạn thảo khúc triết, cặn kẽ, chính xác mang tính nhân văn không chỉ ở chỗ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn ở chỗ bảo vệ, ngăn ngừa nguy cơ phạm tội của chính đội ngũ công chức thực thi pháp luật. 

    Sự không rõ ràng của các điều luật chính là mảnh đất màu mỡ cho một số người thực thi pháp luật lợi dụng, hàng loạt thẩm phán bị khởi tố về tội nhận tiền chạy án (Võ Trọng Hiếu, Nguyễn Thị Hường –TP. Hồ Chí Minh; Bùi Anh Đức – Nghệ An…) cho thấy sở dĩ người ta có thể chạy án vì luật có thể “vận dụng” tùy quan điểm của người xét xử. 

    Điều này cũng có nghĩa là sự mơ hồ trong các điều luật sẽ trở thành “lợi ích” mà một (hoặc vài) “nhóm lợi ích” nào đó mong muốn.

    Trên thế giới, làm luật chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là sân chơi nghiệp dư. Nếu chúng ta thiếu đội ngũ chuyên nghiệp thì việc tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế là điều nên làm. 

    Tuy nhiên người viết cho rằng không thể nói chúng ta thiếu đội ngũ luật gia có kinh nghiệm, vấn đề chỉ là chúng ta muốn hay chưa muốn ban hành những luật cụ thể đến từng chi tiết như người Pháp đã làm cách đây hơn 200 năm.

    Nguồn: Báo giáo dục

     

     
    4477 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận