Nguy cơ nhập than lẽ ra được đẩy lùi chục năm
Chuyến tàu chở hơn 9.570 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái (TP.HCM) và lượng than trên được Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản than Đông Bắc tiếp nhận nhập khẩu, sau đó phân phối cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.
Từ địa vị một nước xuất khẩu, như vậy, Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu than.
Bình luận về câu chuyện này, trên báo Tầm nhìn, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Cty Năng lượng Sông Hồng - TKV, cho rằng, đây chính là hệ quả của việc xuất khẩu than (được coi như một thành tích trong thời gian qua) chỉ mang lại lợi ích tài chính cục bộ trước mắt cho ngành than, nhưng đã và đang dẫn đến sự thiệt hại lâu dài cho cả đất nước.
Ngoài việc thất thoát tài nguyên, nền kinh tế còn chịu thiệt hại không chỉ bằng tiền, mà cả bằng thời gian. Nếu trong vòng 13 năm qua, thay vì tích cực xuất khẩu than, TKV đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ tập trung tiềm lực đầu tư cho ngành than (thay vì đầu tư vào các lĩnh vực đa ngành khác đang tỏ ra không có hiệu quả), thì nguy cơ phải nhập khẩu than của Việt Nam có thể được đẩy lùi hàng chục năm.
|
Nghịch lý xuất - nhập than dường như vẫn chưa có điểm dừng (ảnh NLĐ) |
Ngành than đang có nguy cơ không thực hiện được nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Chính phủ giao là đảm bảo các cân đối lớn về than cho nền kinh tế.
Tình trạng sớm mất cân đối về than của nền kinh tế có thể nói trước hết là do ngành than đã không tự giác thực hiện nghiêm chỉnh nội dung Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 (với qui mô khai thác đủ đáp ứng các nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu than ở mức tối thiểu nhất).
Nhu cầu than trong nước thực tế đã và đang diễn ra đúng như dự kiến trong Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2003. Nhưng sản lượng khai thác than của TKV từ lâu đã vượt xa mức quy hoạch.
TS. Nguyễn Thành Sơn phân tích, thay vì phải đầu tư chiều sâu (nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, tăng năng suất lao động trong khâu khai thác than), ngành than lại tích cực đầu tư theo chiều rộng, tăng khối lượng, dẫn đến tình trạng thừa than, tạo ra một yêu cầu giả tạo là phải "đẩy mạnh xuất khẩu than".
Về mặt khách quan, do giá cung cấp than cho các hộ tiêu dùng nội địa được nhà nước điều tiết và bình ổn ở mức thấp, việc xuất khẩu than (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) đều tạo ra nguồn lợi rất lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt (đặc biệt là trong các khâu khai thác than trái phép và buôn lậu than). Nguồn lợi của việc xuất khẩu than quá lớn dẫn đến việc tổ chức và quản lý của ngành bị méo mó, thậm chí trái với quy luật thị trường.
Trước đây, trong Bộ Năng lượng chỉ duy nhất một đơn vị làm đầu mối xuất khẩu than là Coalimex. Ngay sau khi thành lập Tổng Công ty Than, đầu mối xuất khẩu than đã bị phân tán theo kiểu chia phần. Số đơn vị được trực tiếp xuất khẩu than đã tăng lên không thể đếm bằng đầu ngón tay. Nhiều đơn vị thành viên không có than cũng được cấp hạn ngạch xuất khẩu.
Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, phong trào đẩy mạnh xuất khẩu than như vậy đã dẫn tới tình trạng bị lợi dụng: có hợp đồng xuất khẩu than được ký với giá thấp hơn cả giá thành khai thác, tiền thưởng rót than nhanh thì chia cho một nhóm nhỏ các cá nhân, còn tiền phạt rót than chậm thì đưa vào lỗ chung của toàn ngành,..v..v. Giá bán than xuất khẩu do doanh nghiệp tự quyết định không có sự quản lý chặt chẽ.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới WB (tại cuộc hội thảo tại Hà Nội về Phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam), giá than xuất khẩu của Việt Nam nếu quy đổi ra cùng một đơn vị nhiệt năng, vào cùng một thị trường chỉ bằng 2/3 so với giá của Australia.
Nếu "lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư" như Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của Bộ Chính trị đã nêu, có thể nói các quyết định đầu tư của TKV có liên quan đến tăng sản lượng khai thác than và tăng khối lượng than xuất khẩu trong thời gian hơn chục năm qua là không có căn cứ.
Nghịch lý xuất - nhập khẩu: Chưa có điểm dừng
Công ty cổ phần Khoáng sản - than Đông Bắc nhận định, nhu cầu tiêu thụ than ở các tỉnh Nam Trung Bộ và phía Nam đang mỗi lúc một tăng cao, ngoài ngành công nghiệp luyện kim, tới đây sẽ có hàng loạt các dự án nhà máy nhiệt điện được triển khai.
Theo Tập đoàn Than Khoáng sản, năm 2011, việc nhập khẩu than vẫn chỉ mang tính thí điểm. Mặc dù chưa có kế hoạch nhập khẩu than chính thức, nhưng theo dự báo của đơn vị này, năm 2012, nguồn than khai thác trong nước có thể bị thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn, đến năm 2015 lượng than nhập khẩu sẽ lên tới khoảng 28 triệu tấn.
Từ sau năm 2020 trở đi, mỗi năm Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thêm hơn 60 triệu tấn. Cũng theo Tập đoàn than, việc nhập khẩu than với số lượng lớn không phải là dễ dàng bởi Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác ngay tại những thị trường có nguồn cung dồi dào như Indonesia hay Australia.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho hay nhập khẩu than cũng không dễ, nhất là theo các hợp đồng dài hạn với số lượng lớn, bởi xu thế các nước hiện nay đều quản lý chặt nguồn tài nguyên này. Đi trước một bước, một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đã đầu tư mua mỏ ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ hàng chục năm nay.
Báo NLĐ cho hay, "người láng giềng" Trung Quốc còn cao tay hơn khi mua không hạn chế số lượng than xuất khẩu của ta nhiều năm liền, để rồi... lấp đất lại làm "của để dành"! Vậy mà than của Việt Nam vẫn được đào lên để xuất khẩu, dù nhu cầu trong nước vẫn thiếu. Năm tháng đầu năm, Vinacomin đã xuất khẩu 6,64 triệu tấn than đá.
Nghịch lý xuất - nhập than dường như vẫn chưa có điểm dừng!
Nghịch lý hơn, khi hầu như các nước trên thế giới, kể cả các nước nghèo, đều thận trọng trong việc đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá thì Việt Nam vẫn chậm chân trong việc nghiên cứu sử dụng năng lượng sạch.
Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) vốn rất hăng hái trong việc đầu tư vào các dự án điện sử dụng than đá ở các nước nghèo, hiện cũng đang lên kế hoạch hạn chế đầu tư vào lĩnh vực này. Các nhóm bảo vệ môi trường thì xem các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch là dự án "bẩn".
Thực tế trên cho thấy chuyện Việt Nam phải nhập khẩu than không chỉ là chuyện... nhập khẩu!
Theo TKV, dự kiến số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 khoảng 10 triệu tấn/năm và sẽ tăng dần từng năm. Đến năm 2020, dự kiến Tập đoàn sẽ nhập về khoảng 100 triệu tấn/năm, trong đó phần lớn là than bituminous có nhiệt năng từ 5.000-6.000 kcal/kg (cơ sở không khí khô) để cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, các chủng loại than mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu, nhất là ngành thép và xi măng cũng sẽ được nhập về để phục vụ nhu cầu trong nước. Hiện than do TKV khai thác ở Quảng Ninh chủ yếu là than có chất lượng tốt, được dùng nhiều trong ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất và có giá trị xuất khẩu cao. Do đó, Chính phủ đã cho phép TKV thí điểm thực hiện việc nhập khẩu than có giá thành rẻ hơn để phục vụ các nhà máy nhiệt điện trong nước. |