Công ty bạn hiện là Công ty TNHH một thành viên, có người bạn muốn góp vốn cùng kinh doanh nên bạn có dự định chuyển đổi hình thức từ Công ty TNHH một thành viên sang 2 thành viên hoặc Công ty cổ phần. Bạn chưa lựa chọn được hình thức doanh nghiệp phù hợp để tiến hành kinh doanh? Để giúp bạn có lựa chọn đúng đắn, tôi xin đưa ra một số điểm khác biệt giữa công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014.
Thứ nhất, thành viên: theo điểm a khoản 1 điều 47 Luật doanh nghiệp 2014 về thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn: “thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50”. Quy định về thành viên của công ty cổ phần, điểm b khoản 1 điều 110 quy định: “cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa”. Từ đó có thể thấy điểm khác biệt cơ bản đầu tiên giữa công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn chính là số lượng thành viên. Số lượng thành viên của công ty có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quy mô của công ty phục vụ cho hoạt động kinh doanh sau này.
Thứ hai, vốn: mô hình công ty cổ phần có vốn điều lệ được chia thành từng phần bằng nhau gọi là cổ phần (Điểm a Khoản 1 Điều 110). Còn trong công ty TNHH, vốn không được chia thành từng phần nhỏ mà được chia theo tỷ lệ phần trăm vốn góp mà thành viên góp vào công ty. Vốn điều lệ của 2 loại hình công ty này được thể hiện trong đăng kí kinh doanh của công ty.
Thứ ba, khả năng huy động vốn: nếu công ty cổ phần được phép phát hành cổ phần các loại để huy động vốn thì công ty TNHH không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để huy động vốn. Cách huy động vốn của công ty TNHH chỉ có thể là đi vay, huy động thành viên góp thêm vốn hoặc thêm thành viên. Đây là điểm khác biệt lớn khiến cho mô hình công ty cổ phần đang được các thương nhân ưa chuộng hơn cho doanh nghiệp của mình.
Thứ tư, chuyển nhượng vốn: khác biệt trong chuyển nhượng vốn ở hai hình thức công ty này là đối với công ty TNHH, chuyển nhượng vốn bị hạn chế rất nhiều, còn trong công ty cổ phần, các thành viên có thể tự do chuyển nhượng vốn của mình. Theo Khoản 5 Điều 76 LDN 2014 về nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên: “chủ sở hữu chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty”. Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, việc chuyển nhượng vốn trong công ty còn khắt khe hơn, được pháp luật quy định tại Điều 53, 54, 55 Luật doanh nghiệp 2014. Việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần dễ dàng hơn công ty TNHH, cổ đông được tư do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp các cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần ưu đãi hoặc cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, sau ba năm kể từ ngày công ty được nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hạn chế trong việc chuyển nhượng cổ phần đó sẽ bị bãi bỏ (Khoản 3, 4 Điều 119).
Việc lựa chọn Công ty TNHH hai thành viên có lẽ phù hợp với trường hợp bạn hỏi hơn, còn nếu chuyển đổi công ty cổ phần phải thêm thành viên nữa(ít nhất là 3 thành viên) thì mới được chuyển đổi.
Bạn muốn có Mẫu hợp đồng góp vốn để chuyển đồi công ty thì nội dung gồm thông tin về các bên là cá nhân, tổ chức tham gia thành lập công ty, thời gian và tỷ lệ góp vốn, cơ cấu tổ chức và các vấn đề khác liên quan đến quản lý công ty dự định thành lập. Mẫu hợp đồng tôi không thể cung cấp cho bạn ở đây được, bạn có thể tìm trên mạng nhưng thường là không chính xác và không đầy đủ.
Trên đây là một số điểm tôi tư vấn cho bạn. Qua đây, có thể thấy được những ưu, nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp trên, từ đó có thể có quyết định lựa chọn đúng đắn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mình. Hãy liên lạc với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;