Chuyện phiếm “thập cẩm”
Sau vài ngày khi mọi người cũng đã biết về nhau khá nhiều thì bắt đầu đặt biệt danh cho nhau và gọi nhau bằng tên cộng với biệt danh, chúng tôi có gần một nửa là biệt danh về động vật như : T. Heo, H. Khỉ, H. Cá trê, N. Voi, D. lợn lòi,T.Bò, G.Cò và tôi “Hiệp gà” (tuy không nhiều bằng vườn bách thú nhưng có vẻ cũng hơn thảo cầm viên SG), còn hơn nửa là biệt danh về màu da, vóc dáng và tự dưng đặt vậy chẳng cần nguyên do như: M.Đen, K.Đen, Q.Đen, H.Cận, M.Trắng, T.Lùn, Q.Già, N.Chảnh, T.Đầu đất, N.Quách, N.Nhật Bổn, T.Thiếu tướng (nghe lộn xộn giang hồ ấy nhỉ?). Sau khi mọi thứ đi vào ổn định chúng tôi phân công lịch trực phòng và bỏ phiếu bầu chọn bài hát truyền thống của phòng, cuối cùng bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được chọn (mà đến nay tôi không nhớ được lý do chọn, chắc do có câu “rất ham ăn với lại ham chơi”), để mỗi khi nhậu và sau này ra trường có gặp lại vẫn cứ hát vang bài này y chang như con nít. Rồi chúng tôi mỗi thằng cũng mua một cái xe đạp cũ giá rẻ để làm phương tiện đi lại, những cái xe xộc xệch và kêu leng keng như tàu điện Hà Nội ngày xưa, một số cái hay tuột xích nên đi xe này là tay lúc nào cũng dính toàn nhớt (những cái xe này nếu đem vứt ra đường thể nào cũng bị phạt do tội xả rác).
Chuyện xe cộ thì coi như là ổn, nhưng chuyện dép guốc thì lại thiếu trầm trọng, có lúc phòng chúng tôi chỉ có 6-7 đôi dép (tính cả dép lào luôn rồi nhé, mà cũng chủ yếu là dép lào), nhiều lúc phải đi cả giầy bata đi học hoặc nghỉ học vì không có dép (lý do chính đáng nhỉ?không lẽ đi chân đất đi học?), có nhiều thằng cất giấu dép rất kín nhưng cũng vẫn cứ bị “mượn”, và rồi chúng tôi cũng nghĩ ra cách khóa dép bằng cái khóa dây để khóa xe đạp nhưng một thời gian ngắn có thằng lại nghĩ ra cách rút quai dép lào nên việc khóa dép cũng không còn hữu dụng (sinh viên thời chúng tôi là vậy có tiền uống cà phê, có tiền ăn nhậu……nhưng không có nổi tiền mua cái quần lót (chứ nói gì đến dép), đến nỗi cái nào cũng cũ và giãn ra to như cái quần soọc)
Việc học thì chắc các bạn cũng hiểu, tuy có chút bất ngờ và hơi thất vọng nhưng chúng tôi trong học kỳ đầu vẫn đến lớp thường xuyên, về phòng có mấy thằng chăm chỉ còn đọc lại nữa (sau này mấy thằng này hay thi rớt nên cũng còn không chăm chỉ). Việc giải trí của chúng tôi những ngày này chủ yếu là đánh bài ghi điểm để ăn chè hoặc uống cà phê, sau thì biến tướng ra thành đánh bài ăn thuốc lá, ăn mì tôm…., thời gian nào không có tiền thì chuyển thành đánh bài cởi đồ đặc trưng của nam sinh viên (tại không biết nữ có chơi hay không?), thằng nào trước khi chơi cũng cố gắng mặc thật nhiều đồ, cứ mỗi ván về chót là cởi một thứ, nếu cởi hết rồi thì phải ngồi theo từng thế định sẵn, nói chung càng thua càng phải phơi bày mọi thứ ra, một lần có bốn thằng đang chơi bị các bố bắt được phải làm kiểm điểm và bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đọc lên loa cho toàn bộ KTX nghe nhưng cái phần nguyên nhân kỷ luật chỉ ghi chung chung là vi phạm nội quy KTX (heheheh không lẽ ghi là do đánh bài cởi đồ). Nói chung thời gian này chúng tôi rất ngoan, chỉ lâu lâu mới nhậu nhẹt một lần nhưng có uống cũng chỉ như thằn lằn uống rượu cúng thôi không hơn.
Phòng hai mươi thằng, mỗi thằng đến từ một vùng miền với những tính cách khác nhau nên việc va chạm, xích mích với nhau là không thể tránh khỏi. Một ngày, thằng N.Quách què đi nhậu say ở đâu về muộn mà mồm cứ lải nhải làm anh em ngủ không được, nói mãi không nghe thế là mấy thằng đè xuống đánh (chỉ là giơ cao đánh khẽ thôi) trong đó Q.Già đánh nhiều nhất, N.Quách què lúc đó mới chịu yên nhưng cũng hẹn lại là sáng mai tỉnh sẽ đánh lại Q.Già, Q.Già thách: Mày mà dậy được lúc năm giờ, tao nằm cho mày đánh thoải mái! Thế là N.Quách què lấy đồng hồ ra hẹn năm giờ để trên đầu rồi đi ngủ mà không quên đặt cái chậu dưới gầm giường để “đá” với “a sê nôn”. Năm giờ sáng, đồng hồ reo báo thức mà N.Quách què có dậy nổi đâu, mà cái giống đồng hồ trung quốc nó đã kêu to mà lại còn kêu mãi không dừng, thế là một số thằng phải dậy để tắt nhưng lại không kiếm thấy cái đồng hồ ở đâu, cả phòng bật đèn khiêng N.Quách què lên tìm trong người, trong chăn, dưới gối… mà vẫn không thấy. Khi tất cả đã tỉnh ngủ hẳn thì mới phát hiện ra cái đồng nằm ngập trong cái chậu “a sê nôn” của nó (đồ trung quốc đúng là ác thật, ngập thế mà vẫn kêu được). Vậy thôi, cũng chỉ những chuyện nhỏ nhặt, chúng tôi cũng chẳng có xích mích gì lớn cả vì tất cả chúng tôi rất đoàn kết và tôn trọng nhau như anh em một nhà.
Thời đó, chúng tôi không có điện thoại di động như bây giờ, mà mới xa nhà nên gia đình vẫn thường xuyên hỏi thăm bằng cách gọi điện đến số máy của Ban quản lý KTX, sau đó Ban quản lý KTX sẽ thông báo lên cái loa phóng thanh là sinh viên tên này phòng này lên Ban quản lý có điện thoại. Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh việc ăn ở học hành và kết thúc hầu như lúc nào cũng là câu hỏi “cần tiền không?” từ phía phụ huynh và câu trả lời hầu như lúc nào cũng chỉ là “con còn đầy!” dù trong cho “viêm màng túi đã lâu”. Sau này khi đã quen với nhịp sống SG thì người gọi điện về lại là chúng tôi và kết thúc việc hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình bao giờ cũng là câu “bố mẹ gửi thêm tiền cho con nhé” và đại đa số câu trả lời của phụ huynh bao giờ cũng dưới hình thức của một câu hỏi là “ tiêu gì mà nhanh thế con?”. (Đúng là thời thế nhiều lúc quay ngoắt 1800 ).
Điều ta biết chỉ là một giọt nước
Điều ta chưa biết là cả đại dương mênh mông.