Các vấn đề liên quan đến Quốc tang tại Việt Nam hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 105/2002/NĐ-CP, theo đó, các chức danh được tổ chức Quốc tang bao gồm:
“1. Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
b) Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
d) Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế”
Trong quá khứ, các văn bản quy định về quốc tang ở Việt Nam có khác nhau. Trong Nghị định 62/2001/NĐ-CP ban hành năm 2001, Quốc tang chỉ áp dụng cho những người đã và đang giữ các chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng khẳng định rõ trong trường hợp người từ trần có chức danh được tổ chức lễ tang cấp Nhà nước, lễ tang cấp cao nhưng bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì lễ tang được tổ chức theo hình thức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức thông thường.
Đáng chú ý hơn là về nguyên tắc khi đưa tin trên các phương tiện thông tin về lễ Quốc tang, lễ tang cấp Nhà nước như sau: Khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức lễ tang và việc tổ chức lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.