1. Hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế,
chính sách phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước,
trước hết là các thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ
thống hành chính.
Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy
phạm pháp luật, khắc phục tính cục bộ trong việc chuẩn bị, soạn thảo
các văn bản; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây
dựng thể chế, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của nhân dân để nâng
cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
2. Xoá bỏ về cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu,
rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các thủ
tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho
dân.
3. Các cơ quan trong hệ thống hành chính được xác định chức
năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; chuyển được một số
công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện
cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ đảm nhận.
4. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gọn nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc
Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản
lý vĩ mô toàn xã hội bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra
thực hiện.
Bộ máy của các bộ được điều chỉnh về cơ cấu trên cơ sở phân
biệt rõ chức năng, phương thức hoạt động của các bộ phận tham mưu, thực
thi chính sách, cung cấp dịch vụ công.
5. Đến năm 2005, về cơ bản xác định xong và thực hiện được các quy
định mới về phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa Trung ương và địa
phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; định rõ chức năng, nhiệm
vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp
huyện được tổ chức lại gọn nhẹ, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà
nước theo nhiệm vụ và thẩm quyền được xác định trong Luật tổ chức Hội
đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi). Xác định rõ tính chất, cơ
cấu tổ chức, chế độ làm việc của chính quyền cấp xã.
6. Đến năm 2010, đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu
hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, công chức có
phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tuỵ, phục vụ sự
nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân.
7. Đến năm 2005, tiền lương của cán bộ, công chức được cải cách
cơ bản, trở thành động lực của nền công vụ, bảo đảm cuộc sống của cán
bộ, công chức và gia đình.
8. Đến năm 2005, cơ chế tài chính được đổi mới thích hợp với
tính chất của cơ quan hành chính và tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công.
9. Nền hành chính nhà nước được hiện đại hoá một bước rõ rệt.
Các cơ quan hành chính có trang thiết bị tương đối hiện đại phục vụ yêu
cầu quản lý nhà nước kịp thời và thông suốt. Hệ thống thông tin điện tử
của Chính phủ được đưa vào hoạt động.
04 NỘI DUNG CẢI CÁCH
- Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế của
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức
và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước.
- Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Bảo đảm việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù
hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
- Từng bước điều chỉnh những công việc mà Chính phủ, các bộ, cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đảm
nhận để khắc phục những chống chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ hoặc doanh nghiệp
làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành
chính nhà nước trực tiếp thực hiện.
- Đến năm 2005, về cơ bản ban hành xong và áp dụng các quy định mới
về phân cấp Trung ương - địa phương, phân cấp giữa các cấp chính quyền
địa phương, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa
phương, tăng cường mối liên hệ và trách nhiệm của chính quyền trước
nhân dân địa phương. Gắn phân cấp công việc với phân cấp về tài chính,
tổ chức và cán bộ. Định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết
định, những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của
Trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của Trung ương.
- Bố trí lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ
- Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương
- Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp.
- Thực hiện từng bước hiện đại hoá nền hành chính.
- Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức
- Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức
-
Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, bảo đảm tính
thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chỉ đạo của ngân
sách Trung ương; đồng thời phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo
và trách nhiệm của địa phương và các ngành trong việc điều hành tài
chính và ngân sách.
- Bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương của Hội đồng
nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động xử
lý các công việc ở địa phương; quyền quyết định của các bộ, sở, ban,
ngành về phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; quyền chủ động
của các đơn vị sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt phù
hợp với chế độ, chính sách.
- Trên cơ sở phân biệt rõ cơ quan hành chính công quyền với tổ chức
sự nghiệp, dịch vụ công, trong 2 năm 2001 và 2002 thực hiện đổi mới cơ
chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính, xóa bỏ chế độ cấp kinh
phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cách tính toán kinh phí căn
cứ vào kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra,
chất lượng chi tiêu theo mục tiêu của cơ quan hành chính, đổi mới hệ
thống định mức chi tiêu cho đơn giản hơn, tăng quyền chủ động của cơ
quan sử dụng ngân sách.
- Đổi mới cơ bản cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công
- Thực hiện thí điểm để áp dụng rộng rãi một số cơ chế tài chính mới như:
+ Cho thuê đơn vị, sự nghiệp công, cho thuê đất để xây dựng
cơ sở nhà trường, bệnh viện, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối
với cán bộ, công chức chuyển từ các đơn vị công lập sang dân lập.
+ Cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước
ngoài đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề, đại học, trên đại
học, khám chữa bệnh có chất lượng cao v.v…
+ Thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công cộng như
vệ sinh đô thị, cấp, thoát nước, cây xanh công viên, nước phục vụ nông
nghiệp…
+ Thực hiện cơ chế hợp động một dịch vụ công trong cơ quan hành chính.
- Đổi mới công tác kiểm toán đối với các cơ quan hành chính,
đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí
từ ngân sách nhà nước, xoá bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm
tra, kiểm toán, đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Thực
hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công, tất cả chỉ tiêu
tài chính được công bố công khai.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành.
- Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị.
- Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
- Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.
Bảy chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, bao gồm:
- Chương trình 1: “Đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng
cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật” do Bộ Tư pháp và Văn phòng
Chính phủ chủ trì.
- Chương trình 2: “Nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ
cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước” giai
đoạn I (2003-2005) do Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ chủ trì.
- Chương trình 3: “Chương trình tinh giản biên chế” do Bộ Nội vụ chủ trì
- Chương trình 4: “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ, công chức nhà nước giai đoạn I (2003-2005)” do Bộ Nội vụ chủ trì.
- Chương trình 5: “Chương trình cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ chủ trì.
- Chương trình 6: “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các
cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công” do Bộ Tài chính chủ trì.
- Chương trình 7: “Hiện đại hoá hành chính” do Văn phòng Chính phủ chủ trì.