Chủ rừng có được thế chấp đất rừng không? Điều kiện thế chấp là gì?

Chủ đề   RSS   
  • #610580 15/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 503 lần


    Chủ rừng có được thế chấp đất rừng không? Điều kiện thế chấp là gì?

    Hiện nay pháp luật quy định có mấy loại đất rừng? Có trường hợp nào chủ rừng được thế chấp đất rừng không? Điều kiện để được thế chấp đất rừng là gì?

    Có mấy loại đất rừng?

    Theo điểm c Điều 9 Luật đất đai 2024 quy định: đất lâm nghiệp là một loại trong nhóm đất nông nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

    Như vậy, đất rừng có 03 loại bao gồm đất rừng đặt dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất.

    Chủ rừng có được thế chấp đất rừng không? 

    1) Các quyền chung của chủ rừng

    Theo Điều 73 Luật lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

    - Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.

    - Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

    - Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định.

    - Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

    - Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.

    - Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.

    - Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.

    - Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.

    - Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.

    2) Đối với tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ

    Theo Điều 80 Luật lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

    - Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn ngân sách nhà nước có quyền và nghĩa vụ sau đây:

    + Các quyền và nghĩa vụ chung;

    + Được tổ chức trồng rừng theo dự toán thiết kế do cơ quan chủ quản nguồn vốn phê duyệt;

    + Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.

    - Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn tự đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau đây:

    + Các quyền và nghĩa vụ chung;

    + Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ;

    + Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định.

    - Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất bằng vốn tự đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau đây:

    + Các quyền và nghĩa vụ chung;

    + Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng;

    + Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định.

    + Được chuyển nhượng, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng.

    Như vậy, chỉ có Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất bằng vốn tự đầu tư là được thế chấp bằng giá trị sản xuất là rừng trồng.

    3) Đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ

    Theo Điều 84 Luật lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

    - Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có quyền sau đây:

    + Các quyền chung;

    + Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng đầu tư;

    + Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng đầu tư;

    + Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định;

    + Được chia sẻ lợi ích từ rừng trong trường hợp trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước;

    +  Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng;

    - Cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có quyền thế chấp bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng.

    4) Đối với cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất

    Theo Điều 86 Luật lâm nghiệp 2017 quy định cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

    - Các nghĩa vụ chung;

    - Hoàn thiện, thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định;

    - Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;

    - Không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư;

    - Không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

    Như vậy, cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất không được thế chấp đất rừng.

    5) Đối với đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất

    Theo Điều 87 Luật lâm nghiệp 2017 quy định đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

    - Các nghĩa vụ chung;

    - Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;

    - Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

    Như vậy, đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất không được thế chấp đất rừng.

    6) tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia

    Theo Điều 88 Luật Lâm nghiệp 2024 quy định tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia có nghĩa vụ sau đây:

    - Các nghĩa vụ chung;

    - Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng;

    - Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

    Như vậy, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia không được thế chấp đất rừng.

    Điều kiện thế chấp đất rừng?

    Theo quy định tại Điều 45 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

    - Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    - Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

    - Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

    - Trong thời hạn sử dụng đất;

    - Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

    - Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

    - Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;

    Tổng hợp lại, chỉ có Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất bằng vốn tự đầu tư, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ là được thế chấp đất rừng theo quy định.

    Xem thêm: Luật đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024

     
    430 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (25/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận