Chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà khởi kiện Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 đòi nợ tiền hợp đồng mua bán gỗ

Chủ đề   RSS   
  • #263415 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    Chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà khởi kiện Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 đòi nợ tiền hợp đồng mua bán gỗ

    Số hiệu

    31/2007/KDTM-ST

    Tiêu đề

    Chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà khởi kiện Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 đòi nợ tiền hợp đồng mua bán gỗ

    Ngày ban hành

    29/03/2007

    Cấp xét sử

    Sơ thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Căn cứ biên bản thanh lý hợp đồng ngày 15.8.2002, bị đơn xác nhận còn nợ nguyên đơn 107.312.000 đồng và cam kết trả nguyên đơn số tiền trên sau 15 ngày kể từ ngày thanh lý. Song cho đến nay bị đơn vẫn chưa thanh toán trả nguyên đơn. Nay nguyên đơn yêu cầu đòi số nợ gốc còn thiếu theo hợp đồng là 107.312.000 đồng là phù hợp với biên bản thanh lý đã được xác nhận nợ nên được chấp nhận. 
     

    Bản án số:31/2007/KDTM-ST ngày: 29.3.2007 V/v tranh chấp Hợp đồng mua bán


    Ngày 29 tháng 3 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số30/2007/TLST-KDTM ngày 30 tháng 01 năm 2007 về Tranh chấp hợp đồng mua bán theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 37/2007/KDTM/QĐXX-ST ngày 16 tháng 3 năm 2007 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đăng Độ - Chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà

    Trú tại: thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh KonTum

    Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn:

    Ông Quản Văn Minh đại diện theo giấy uỷ quyền số 12/GUQ ngày 18.12.2006 của chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà.

    Trú quán: 7 ngõ 164 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội.

    Ông Minh có mặt tại phiên toà

    Bị đơn: Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121

    Trụ sở: số 2 đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội.

    Người đại diện hợp pháp của bị đơn:

    Ông Trần Xuân Sinh - giám đốc Công ty.

    Ông Sinh vắng mặt tại phiên toà

    Nhận thấy

    Ngày 02.6.2002, ông Nguyên Đăng Độ - chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà (bên A) có ký hợp đồng mua bán gỗ với Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 (bên B) do ông Phạm Thế Mạnh - phó giám đốc đại diện để bên B thi công cầu SêSan 3.

    Theo hợp đồng bên A bán cho bên B 92.5m3 gỗ, đơn giá 3.100.000đ/m3. Thành tiền 286.750.000 đồng.

    Phương thức thanh toán chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt. Hợp đồng được thực hiện từ ngày 02.6.2002.

    Quá trình thực hiện hợp đồng: bên A đã cung cấp cho bên B 74.52m3 gỗ thành tiền 231.012.000 đồng. Tuy nhiên bên B mới chỉ thanh toán 123.700.000 đồng, còn nợ 107.312.000 đồng.

    Ngày 15.8.2002 hai bên đã có buổi làm việc để thanh lý hợp đồng nêu trên. Theo biên bản thanh lý này thì bên B xác nhận còn nợ bên A 107.312.000 đồng và cam kết sẽ chuyển số tiền trên sau 15 ngày kể từ ngày thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên đến nay bên A vẫn chưa nhận được số tiền như cam kết.

    Ngày 22.12.2006 ông Nguyễn Đăng Độ có đơn khởi kiện tới Toà án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 trả cho doanh nghiệp số tiền còn nợ là 107.312.000 đồng cùng khoản tiền lãi quá hạn phát sinh từ ngày 31.8.2002 đến ngày 25.12.2006 theo mức lãi suất là 1.5%/tháng, thành tiền 83.381.424 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi 190.693.424 đồng.

    Tại phiên toà hôm nay nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu đòi số nợ gốc là 107.312.000 đồng. Còn khoản tiền lãi nguyên đơn tính theo mức lãi suất quá hạn bình quân trên thị trường từ ngày 31.8.2002 đến ngày 01.3.2007 là 0.9%/tháng (0.6 x 150%) với thời gian là 04 năm 06 tháng. Và số tiền lãi nguyên đơn đề nghị Toà án xem xét là 52.000.000 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 159.312.000 đồng.

    Xét thấy

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên toà, Hội đồng xét xử thấy:

    Về việc vắng mặt của đại diện hợp pháp bị đơn tại phiên toà: Trong quá trình tiến hành tố tụng, Toà án đã nhiều lần triệu tập đại diện hợp pháp Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 đến Toà án để giải quyết vụ kiện nhưng đại diện Công ty đều vắng mặt không có lý do.

    Ngày 16.3.2007, Toà án đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử số 37/2007/QĐST cho công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121. Quyết định này do bà Doãn Khiếu - cán bộ văn thư Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 trực tiếp ký nhận. Song đến ngày mở phiên toà, đại diện Công ty không có mặt để tham gia phiên toà.

    Ngày 23.3.2007 Toà án tiếp tục tống đạt quyết định hoãn phiên toà số39/2007/QĐ-HPT và ấn định phiên toà tiếp theo được mở vào hồi 13h30’ ngày 29.3.2007. Tại phiên toà hôm nay (29.3.2007) đại diện hợp pháp Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 vẫn vắng mặt. Việc vắng mặt của bị đơn thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật, không chấp hành các quy định tại điều 56, 58, 60 Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định tại khoản 2 điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự thì việc xét xử vẫn được tiến hành nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẵn vắng mặt. Chính vì vậy hội đồng xét xử sau khi nghị bàn đã quyết định xét xử vắng mặt bị đơn tại phiên toà.

    Xét về tư cách các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế - nhận thấy: Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà là đơn vị hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 027687 ngày 29.11.1999 của phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư tỉnh KonTum - chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Đăng Đọ - giám đốc doanh nghiệp.

    Công ty cơ khí xây dựng Công trình giao thông 121 là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập và hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0106000239 ngày 07.7.1993 - đăng ký lại lần 1 ngày 10.5.2004 của Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội.

    Như vậy, hai doanh nghiệp đều có tư cách pháp nhân, có quyền ký kết các hợp đồng kinh tế và tham gia tố tụng để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng đã ký.

    Xét về hợp đồng kinh tế không số được ký ngày 02.6.2002 giữa một bên là ông Nguyễn Đăng Độ - chủ Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà với Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 do ông Phạm Thế Mạnh - phó giám đốc đại diện ký. Mặc dù khi ký hợp đồng, ông Mạnh không được sự uỷ quyền của giám đốc Công ty nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty đã chuyển trả cho doanh nghiệp một khoản tiền mà Công ty đã mua gỗ theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Cụ thể theo biên bản thanh lý hợp đồng thì Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 đã chuyển trả doanh nghiệp 123.700.000 đồng. Trên cơ sở đó Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà đã xuất hoá đơn giá trị gia tăng số hoá đơn số 026044 ngày 13.6.2002, hoá đơn số 026046 ngày 20.6.2002, hoá đơn số 026045 ngày 24.6.2002, hoá đơn số 026047 ngày 25.6.2002, hoá đơn số 027504 ngày 19.9.2002. Trên 05 hoá đơn này đều thể hiện đơn vị mua hàng là Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121. Việc chi trả khoản tiền mua gỗ được thể hiện trên hoá đơn tài chính từ năm 2002 và đã được quyết toán. Như vậy đại diện hợp pháp Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 hoàn toàn biết và không có ý kiến gì. Do đó căn cứ hướng dẫn tại điều 2 phần 1 Nghị quyết số 04 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì hợp đồng kinh tế được ký kết giữa Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà với Công ty cơ khí xây dựng Công trình giao thông 121 là hợp đồng kinh tế hợp pháp, có hiệu lực.

    Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy:

    Căn cứ biên bản thanh lý hợp đồng ngày 15.8.2002, bị đơn xác nhận còn nợ nguyên đơn 107.312.000 đồng và cam kết trả nguyên đơn số tiền trên sau 15 ngày kể từ ngày thanh lý. Song cho đến nay bị đơn vẫn chưa thanh toán trả nguyên đơn. Nay nguyên đơn yêu cầu đòi số nợ gốc còn thiếu theo hợp đồng là 107.312.000 đồng là phù hợp với biên bản thanh lý đã được xác nhận nợ nên được chấp nhận.

    Về khoản tiền lãi – Toà nhận thấy:

    Theo biên bản thanh lý hợp đồng nêu trên thì bị đơn cam kết trả nguyên đơn sau 15 ngày kể từ ngày thanh lý (15.8.2002). Do bị đơn không thực hiện nghĩa vụ nên nguyên đơn yêu cầu tính lãi từ 31.8.2002 là phù hợp với thoả thuận đã ký.

    Theo điều 233 Luật thương mại năm 1997 quy định “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả”.

    Xét mức lãi suất mà nguyên đơn yêu cầu là 0.9%/tháng không cao hơn mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố theo từng thời kỳ từ năm 2002 đến nay. Cụ thể tiền lãi được tính như sau:

    107.312.000 đồng x 54 tháng (từ ngày 31.8.2002 đến ngày 01.3.2007) x 0.9% = 52.153.000 đồng.

    Nay phía nguyên đơn chỉ yêu cầu đòi khoản tiền lãi là 52.000.000đồng. Yêu cầu đó là hợp lý được chấp nhận.

    Trong khi Nghị bàn Hội đồng xét xử đã xem xét đến ý kiến của Luật sư Quản Văn Minh - Đại diện cho nguyên đơn tại phiên toà về thời hiệu khởi kiện. Theo đại diện của nguyên đơn thì ngày 15.8.2002 hai bên chủ thể của quan hệ kinh tế đã có biên bản thanh lý hợp đồng. Như vậy các bên không tranh chấp gì về nghĩa vụ trong hợp đồng, lẽ ra sau khi thanh lý hợp đồng phía Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 phải có trách nhiệm trả các khoản tiền theo biên bản thanh lý. Theo tinh thần của Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 7.1.1995 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế” thì khi hai bên có biên bản thanh lý hợp đồng mà không phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng, chỉ tồn tại nghĩa vụ thanh toán thì Toà án chỉ thụ lý giải quyết việc chậm thanh toán bằng vụ án dân sự. Nay đối chiếu với quy định tại khoản 3 điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự và mục IV điểm b.1 Nghị quyết số 01 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện “Nếu tranh chấp phát sinh trước ngày 01.01.2005 thì thời hạn 02 năm kể từ ngày 01.01.2005”. Vì vậy thời hiệu khởi kiện trong vụ án này là 02 năm kể từ ngày 01.01.2005, tính đến ngày 29.12.2006 nguyên đơn có đơn khởi kiện là nằm trong thời hiệu. Lập luận nêu trên và các căn cứ mà luật sư nêu ra phù hợp với các quy định của pháp luật, hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận.

    Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được hoàn lại khoản tiền dự phí đã nộp.

    Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên,

    Quyết định

    Căn cứ điều 73, điều 233 Luật Thương mại năm 1997

    Căn cứ điều 29,131,159,200,245 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Căn cứ Nghị định 70/CP của Chính phủ quy định về án phí

    Căn cứ thông tư liên tịch số 01 năm 1997 hướng dẫn việc thi hành án về tài sản.

    1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đăng Độ – chủ Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà đối với Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121

    2. Buộc Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 phải thanh toán cho ông Nguyễn Đăng Độ – chủ Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà số tiền nợ theo hợp đồng mua bán không số ngày 2.6.2002 với số tiền:

    - Nợ gốc: 107.312.000 đồng (một trăm lẻ bảy triệu ba trăm mười hai ngàn đồng chẵn)

    - Nợ lãi: 52.000.000 đồng (năm mươi hai triệu đông chẵn).

    - Tổng cộng: 159.312.000 đồng (một trăm năm mươi chín triệu, ba trăm mười hai ngàn đồng chẵn).

    3. Về án phí: Công ty cơ khí xây dựng công trình giao thông 121 phải chịu 7.312.000 đồng (bảy triệu ba trăm mười hai ngàn đồng chẵn) tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

    Hoàn trả ông Nguyễn Đăng Độ – chủ Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà số tiền dự phí đã nộp là 2.500.000 đồng (theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 007295 ngày 19.01.2007 của Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội).

    Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, nếu bên phải thi hành án chưa trả hết số tiền phải thi hành, thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    Nguyên đơn có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đại diện hợp pháp của bị đơn (Công ty có khí xây dựng công trình giao thông 121) vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án./.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 09:54:52 SA
     
    44206 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #357152   18/11/2014

    happy_lovely
    happy_lovely

    Female
    Sơ sinh

    Bình Dương, Việt Nam
    Tham gia:05/10/2014
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 5
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 0 lần


    doanh nghiệp tư nhân đâu có tư cách pháp nhân đâu...nếu tòa bảo cả 2 ben deu co tu cách pháp nhân hình như không hợp lý... với cái việc tuyên án của tòa các anh chị với các bạn có thấy bất cập chỗ nào thuộc thẩm quyền đại diện tại điều 145 146 BLDS 2005 hok ????

     
    Báo quản trị |