Chủ đầu tư được ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực không?

Chủ đề   RSS   
  • #616859 27/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Chủ đầu tư được ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực không?

    Chứng chỉ năng lực là một trong những yếu tố quan trọng khẳng định năng lực của nhà thầu. Vậy, nếu một nhà thầu không có chứng chỉ này, chủ đầu tư có thể ký kết hợp đồng thi công với nhà thầu hay không?

    (1) Chủ đầu tư được ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, nhà thầu phải có đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:

    (i) Khảo sát xây dựng;

    (ii) Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

    (iii) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

    (iv) Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;

    (v) Thi công xây dựng công trình;

    (vi) Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;

    (vii) Kiểm định xây dựng;

    (viii) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

    Theo đó, khoản 2 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 26 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP) yêu cầu nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định tại các điểm (i), (ii), (iii), (iv), (v) và (vi)  phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm b khoản 26 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP), không yêu cầu nhà thầu phải có chứng chỉ năng lực khi tham gia các công việc sau:

    - Thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (trừ thực hiện tư vấn quản lý dự án);

    - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án;

    - Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án;

    - Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

    - Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

    - Thiết kế, giám sát, thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; giám sát, thi công nội thất công trình;

    - Tham gia hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014; công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình nêu tại điểm này.

    Tổng kết lại, chủ đầu tư khi ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu tham gia các hoạt động xây dựng quy định tại các điểm (i), (ii), (iii), (iv), (v) và (vi) thì bắt buộc nhà thầu đó phải có chứng chỉ năng lực. 

    Chỉ trong trường hợp nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng theo các điểm (vii), (viii) và các trường hợp tại khoản 3 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (không yêu cầu có năng lực chứng chỉ năng lực) thì chủ đầu tư mới được ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực.

    (2) Chủ đầu tư ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực thì xử lý thế nào?

    Trong trường hợp thi công xây dựng các hoạt động bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực mà chủ đầu tư lại ký hợp đồng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực thì chủ đầu tư sẽ bị xử phạt về hành vi  “Vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng”.

    Cụ thể, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 7 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:

    Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia một trong các hoạt động sau:

    - Khảo sát xây dựng;

    - Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

    - Quản lý dự án đầu tư xây dựng;

    - Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

    - Thiết kế kiến trúc, thẩm tra thiết kế kiến trúc;

    - Thi công xây dựng công trình;

    - Giám sát thi công xây dựng công trình;

    - Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

    - Kiểm định xây dựng;

    - Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

    Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng và thi công xây dựng công trình với nhà thầu không có chứng chỉ năng lực thì các dự án, công trình, hạng mục công trình như này sẽ bị đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng. 

    Ngoài ra, chủ đầu tư còn bị buộc lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực với hành vi quy định tại điểm a, điểm c, điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản 1 Điều 7  Nghị định 16/2022/NĐ-CP đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng và điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 7  Nghị định 16/2022/NĐ-CP đối với công trình chưa khởi công xây dựng.

     
    132 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận