Trả lời:
Chào chị, về trường hợp của chị, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Theo quy định của pháp luật, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Trong một số trường hợp, giao dịch do người chưa thành niên thực hiện phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
“Điều 21. Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”
Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
“Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Như vậy, để có thể tặng cho quyền sử dụng đất cho con chị thì con chị cần có người đại diện theo pháp luật. Theo pháp luật, chị và chồng chị là người đại diện theo pháp luật của con. Tuy nhiên, chị không thể tham gia một giao dịch dân sự với nhiều tư cách pháp lý: vừa là bên tặng cho, vừa là người đại diện cho bên nhận tặng cho bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Theo thông tin chị cung cấp thì chị là người đứng tên trên sổ đỏ nhà, đất và đó là tài sản riêng của chị. Vì vậy, nếu chị không muốn chồng chị đứng ra đại diện cho con, chị có thể tìm một người có đủ tư cách pháp lý khác để đại diện cho con theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của con chị lúc này được xác định là người giám hộ của con. Nếu không xác định được người giám hộ trong những người quy định tại Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015 dưới đây thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.
“Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”
Khi đã tìm được người đại diện hợp pháp cho con chị, chị có thể chuyển nhượng tài sản chung cho con thông qua hợp đồng tặng cho tài sản. Hợp đồng tặng cho hợp pháp là cơ sở pháp lý để chị bảo vệ quyền lợi cho con nếu sau này có phát sinh tranh chấp. Vì tài sản là nhà và đất nên hợp đồng tặng cho phải có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tặng cho nhà, đất phải đáp ứng các điều kiện luật định như căn nhà tặng cho không có tranh chấp, không đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án và đã có giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.
Còn đối với việc chị lo ngại chồng chị cờ bạc và chị sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ thì Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định:
“Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;”
Như vậy, nếu chồng chị do cờ bạc mà nợ tiền thì không phải lấy tài sản riêng của vợ để trả nợ thay chồng, vì không thuộc vào các trường hợp phải chịu trách nhiệm liên đới nêu trên. Do đó, khi chị chứng minh được số tiền nợ là do chồng chị cờ bạc, không phải nhu cầu thiết yếu của gia đình thì việc trả nợ đối với số tiền đó là nghĩa vụ riêng của chồng chị.