Sau khi nhận được tố cáo từ phía người dân và thông qua việc kiểm tra, cơ quan chức năng đã nhận định rằng công ty Nicotex Thái Thanh có vi phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng và quản lý hóa chất, bằng quyết định xử phạt hành chính trên 400 triệu đồng có lẽ vẫn chưa thỏa lòng người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng việc này đáng lẽ ra phải xử lý hình sự và đồng tình với ý kiến này Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng đã có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Theo bà Nga thì Công ty Thái Thanh đã vi phạm các quy định sau:
- Bộ Luật hình sự tại quy định tại điều 182 Tội: Gây ô nhiễm môi trường.
" 1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường… vượt quá quy chuẩn quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a, Có tổ chức. b, Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng...".
Hậu quả của hành vi của Công ty Thanh Thái thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng ở khoản 2.
Về cách thức thực hiện tội phạm thì đây là một vụ phạm tội có tổ chức, lỗi cố ý , có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Phân tích kỹ những dấu hiệu của vụ này thì việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm (người tổ chức, người thực hành, người giúp sức...) đối với giám đốc, các phó giám đốc qua các thời kỳ, những người trực tiếp thực hiện cũng không phải chuyện quá khó khăn với cơ quan tố tụng. Sai phạm này diễn ra trong thời gian dài, hết đời giám đốc này sang đời giám đốc khác.
Để thực hiện được việc chôn chất thải nguy hại trong một thời gian dài như vậy, chắc chắn phải được tổ chức rất bài bản, có chủ trương, có mục đích, động cơ và cách thức, phân công thực hiện chặt chẽ. Như vậy, vụ việc này dấu hiệu có đủ cả hai tình tiết quy định ở khoản 2 điều 182.
- Luật BVMT quy định rất cụ thể về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chương V, đối với việc xử lý chất thải nguy hại như thuốc trừ sâu quá hạn, chất thải của sản xuất thuốc trừ sâu thì phải tuân theo những quy định hết sức nghiêm ngặt tại chương VIII.
Như thông tin mà cơ quan chức năng công bố, đối chiếu với các quy định của luật thì Nicotex Thanh Thái đã vi phạm Luật BVMT, tập trung nhất là hành vi chôn hóa chất độc hại và thải mùi hôi thối, khó chịu của thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường vi phạm nghiêm trọng các quy định về xử lý chất thải nguy hại.
Về mức độ hậu quả: Các vi phạm này ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, được chứng minh bằng kết quả kiểm nghiệm mẫu vật đất và nước của Trung tâm kiểm định thuốc Bảo vệ thực vật phía Bắc – Cục Bảo vệ thực vật. Cụ thể: Chất Cypermethrin, là thuốc trừ sâu độc nhóm II, kết quả kiểm nghiệm cho thấy đã vượt 63,2 lần cho phép; Chất Isoprothiolane là thuốc trừ bệnh độc nhóm III, kết quả kiểm nghiệm vượt 37,8 lần; Fenobucard là thuốc trừ sâu độc nhóm II vượt 60,6 lần;
Đặc biệt, mẫu CT1 và CT3 đều phát hiện có 01/02 chỉ tiêu là Cypermethin, là thuốc trừ sâu độc nhóm II thì CT1 vượt ngưỡng cho phép 9276 lần, CT2 vượt 7710 lần.
Như vậy là các loại hóa chất độc vượt ngưỡng an toàn môi trường rất nhiều lần, đặc biệt có chất độc vượt ngưỡng gần mười ngàn lần.
Trong khi đó chiếu theo khoản 3 điều 92 Luật bảo vệ môi trường thì : khi hàm lượng của một hoặc nhiều hóa chất… vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 5 lần trở lên hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 10 lần là đã đủ tiêu chí để khẳng định môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo vietnamnet