Chào bạn.
Một số ý trao đổi cùng bạn như sau:
1. Qua thư của bạn, tôi vẫn chưa rõ tại sao: ông A đã có “đơn xin thôi việc ngày 01/02/2008, đồng thời có đơn xin nghỉ không lương cùng ngày … nếu đến ngày 01/08/2008 mà không tìm được việc làm mới xin nghỉ luôn (được GĐ đồng ý)” mà cơ quan lại “ra QĐ kỷ luật lao động lý do vi phạm thời gian báo trước của đơn xin thôi việc ngày 01/02/2008”.
2. Theo điểm a, c, d khoản 1 mục II Thông tư 20/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội thì Doanh nghiệp cổ phần hoá phải lập phương án sử dụng lao động cho các đối tượng:
- Lao động không thuộc đối tượng ký hợp đồng lao động (Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên chuyên trách Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty nhà nước; Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ);
- Lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn (bao gồm cả lao động tuyển dụng trước ngày 30/8/1990 nhưng chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động) …
Và:
- Lập danh sách lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật (điểm c khoản 1 mục II Thông tư 20/2007/TT-BLĐTBXH);
- Lập danh sách lao động không bố trí được việc làm ở công ty cổ phần (điểm d khoản 1 mục II Thông tư 20/2007/TT-BLĐTBXH) …
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm c nói trên thì Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động (nguồn kinh phí lấy từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nếu còn thiếu thì doanh nghiệp đề nghị Nhà nước hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính) và có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của pháp luật.
Đối với số lao động không bố trí được việc làm theo điểm d nói trên thì giải quyết như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư thì giải quyết theo quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
- Người lao động không thuộc đối tượng của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP thì được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động (Điều 17 Bộ luật Lao động). Nguồn kinh phí lấy từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nếu còn thiếu thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(điểm b, c khoản 2 mục II Thông tư 20/2007/TT-BLĐTBXH)
Như vậy, nếu ông A nghỉ việc do tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật hay Doanh nghiệp không bố trí được việc làm thì đều được hưởng chính sách (nếu không bị kỷ luật sa thải) và thời gian lao động của ông A phải được tính từ năm 1978.
Người lao động đã có thời gian gắn bó cùng Doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1978 cho đến nay, khi thực hiện chính sách cổ phần hoá và phải sắp xếp lại lao động chắc chắn sẽ có một số người không phù hợp với công việc mới. Doanh nghiệp nên tạo điều kiện để người lao động được hưởng các chính sách, chế độ đúng theo pháp luật của nhà nước.
Bạn có thể vào Thuvienphapluat để tra cứu Thông tư nói trên.
Một số ý trao đổi cùng bạn.
Thân.