Căn cứ tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Đồng thời, tại Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định:
“Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”.
Theo quy định nêu trên thì việc chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn thì bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cách đây 2 tháng nhưng sau đó được tìm lại được hôm nay và đã nhận lại. Tuy nhiên, nội dung trong sổ đỏ đã bị thay đổi tên người đứng tên trên Giấy chứng nhận vì nó đã được sang tên cho người khác. Do đó, nếu mảnh đất trên chưa được gia đình cậu bạn làm thủ tục sang tên cho người bác bằng các hình thức như chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất thì việc người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không có căn cứ.
Vì vậy, gia đình cậu bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”.
Trường hợp, hòa giải không thành thì gia đình cậu bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi có đất yêu cầu giải quyết. Đồng thời, gia đình bạn cần cung cấp chứng cứ chứng minh thửa đất trên thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn để Tòa án có căn cứ hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người khác đang đứng tên.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.