Về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn viết đôi dòng về ngày này với mong muốn nhắc nhở vị trí ngành nghề này thật sự là rất cao quý. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây khi cuộc sống ngày một no ấm, không còn khó khăn như thời chiến nữa thì bóng dáng người thầy dần mờ nhạt. Theo đó, khi xã hội ngày một thay đổi thì ngày Nhà giáo Việt Nam cũng dần có xu hướng bị biến tướng. Để nhận thấy được tình hình ngày một bị thay đổi ý nghĩa truyền thống của ngày Nhà giáo các bạn cùng tôi điểm qua về nguồn gốc của ngày này cũng như ý nghĩa ban đầu của nó nhé!
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là chính phủ) đã ban hành quyết định số 167- HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam, quy định lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11/1982 cũng chính là ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trên cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Thế, ngày Nhà giáo Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
Ý nghĩa thứ nhất: Duy trì truyền thống tôn sư trọng đạo
Ý nghĩa thứ hai: Thể hiện sự coi trọng sự nghiệp giáo dục
Ý nghĩa thứ ba: Ghi nhận những cống hiến các thầy cô giáo
Ý nghĩa thứ tư: Là dịp để thầy cô giáo tự hào về nghề
Liệu 4 ý nghĩa nêu trên vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến nay chăng? Khi tình hình thực tế tôi nhận thấy: vào những ngày cận kề thì những chiếc phong bì được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và rất “chất lượng” từ phía các bậc phụ huynh, một số phụ huynh phải loay hoay nghĩ cách để ghi điểm giúp con trong mắt của thầy cô.
Cá nhân tôi nhận thấy việc phụ huynh phải làm như vậy không hẳn là để thể hiện sự tôn trọng đối với nhà giáo mà chỉ là lo lắng cho con của họ mà thôi, song song với hành đồng đấy họ đã đánh mất cơ hội để bọn trẻ thể hiện tình cảm, sự tôn trọng đối với thầy cô giáo của mình bằng những cành hoa hay những quyển sổ, lá thư chất chứa cảm tình.
Việc chạy đua ghi điểm thay con trong mắt thầy cô dần được làm theo trào lưu để tránh con mình bị thiên vị hơn so với các bạn cùng lớp. Đấy là quá trình gây nên sự biến tướng trong ngày Nhà giáo Việt Nam, là cách “dạy hư” thầy cô, khiến ngày Nhà giáo trở nên lệch lạc so với ý nghĩa của nó.
Chiếc phong bì có thể lấy lòng thầy cô chỉ là cách nói tránh đi, vì trên thực tế chiếc phong bì là phương tiện hối lộ thầy cô, là một cách để “mua điểm” hiệu quả mà khó bị phát hiện đó là hành vi hối lộ theo quy định pháp luật. Vì trên thực tế khó có thể chứng minh cũng như không có căn cứ nào để ghép tội được cả.
Tại Bộ luật Hình sự 2015 có quy định hẳn hai tội phạm có thể hình dung bằng mũi tên hai chiều đó chính là Tội đưa hối lộ (Điều 364) và Tội nhận hối lộ (Điều 354)
Cụ thể, tôi đi đến phân tích hai loại tội phạm này về khía cạnh hành vi khách quan như sau:
Đối với Tội đưa hối lộ: Hành vi ở đây được thể hiện dưới hình thức đã đưa hoặc sẽ đưa trực tiếp hoặc qua trung gian “của hối lộ” cho người đã có hoặc sẽ có chức vụ, quyền hạn. Của hối lộ có thể được thụ hưởng bởi chính người nhận hoặc cá nhân, tổ chức khác theo ý chí của người nhận.
Đối với Tội nhận hối lộ: Thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ.
Ranh giới giữa lợi ích và phạm tội cũng không cách xa nhau sau khi hành vi khách quan của Tội đưa và nhận hối lộ được phân tích. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng như quý thầy cô lưu ý không có những suy nghĩ lệch lạc, vụ lợi để tránh có những hành vi phạm pháp.
Nghề nhà giáo vốn dĩ rất đáng quý và tôi mong vị trí này, ngành nghề này trong xã hội sẽ không bị mờ nhạt, đừng để giá trị nghề giáo phủ lên lớp bụi mờ chỉ bởi những lợi ích trước mắt.
Bài viết không nhằm đánh đồng tất cả mọi người. Vẫn có rất nhiều thầy cô hiện nay tận tâm vì nghề, giúp đỡ sinh viên, học sinh có điều kiện khó khăn và đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa. Cũng có những thầy cô giáo hiện nay vẫn chiếm được nhiều tình cảm thật sự từ học trò của mình. Cuộc sống rõ là muôn màu nên không có gì là tuyệt đối.
Lời cuối cùng, chúc quý thầy cô sức khỏe, thành công trên sự nghiệp trồng người.