Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ sau đó được trả lại thì chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ là bao nhiêu? Được quy định tại văn bản nào?
Quy định về chi phí bảo quản tang vật vi phạm hành chính
Căn cứ khoản 4 Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về chi phí bảo quản tang vật vi phạm hành chính như sau:
- Chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ
+ Mức chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Đối chiếu với quy định này thì chi phí bảo quản tang vật vi phạm hành chính phải được chi trả khi tổ chức, cá nhân vi phạm đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ không thuộc trường hợp bị tịch thu trừ trường hợp chủ tang vật không có lỗi trong việc vi phạm hành chính.
Trước đây có Thông tư 19/2007/TT-BTC hướng dẫn quản lý, xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ bị tịch thu theo thủ tục hành chính và thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ do Bộ Tài chính ban hành quy định vấn đề này, nhưng hiện tại quy định về phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ tại văn bản này cũng đã hết hiệu lực và hiện không có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này ở hiện hành.
Quy định về phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định của pháp luật về giá
Theo quy định tại Luật giá 2012 cũng như Điều 15 Nghị định 177/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP thì chỉ có nhóm dịch vụ tại cảng biển thì mới yêu cầu phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan nhà nước, tức là nếu như lưu kho bãi tại cảng biển thì thực hiện theo giá của các đơn vị đã đăng ký. Còn những trường hợp lưu kho, bãi không rơi vào trường hợp trên thì không có quy định cụ thể ạ.
Cơ quan, tổ chức áp dụng giá theo Bộ tài chính quy định phương pháp định giá chung tại Điều 21 Luật giá 2012 quy định:
- Căn cứ định giá:
+ Giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến;
+ Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;
+ Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá;
- Phương pháp định giá:
+ Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ;
+ Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.
=> Đối với các chi phí lưu kho phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác thì phải tùy vào trường hợp thực tế thì mới có thể xác định được sẽ căn cứ vào đâu để xác định. Đối với chi phí lưu giữ phương tiện thì căn cứ theo văn bản của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tang vật, phương tiện bị tạm giữ quy định.