CHI PHÍ CỨU CHỮA NẠN NHÂN CÓ LÀ THIỆT HẠI TÀI SẢN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG VỤ ÁN GIAO THÔNG?

Chủ đề   RSS   
  • #362559 13/12/2014

    huelaw

    Sơ sinh

    Thừa Thiên Huế, Việt Nam
    Tham gia:04/09/2008
    Tổng số bài viết (28)
    Số điểm: 294
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 5 lần


    CHI PHÍ CỨU CHỮA NẠN NHÂN CÓ LÀ THIỆT HẠI TÀI SẢN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG VỤ ÁN GIAO THÔNG?

    Trong thực tiễn xét xử, đã có một số bản án nhận định chi phí cứu chữa  nạn nhân cũng là thiệt hại tài sản dùng làm yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt trong các vụ án về tai nạn giao thông.

    Ví dụ: Cả hai Bản án Hình sự sơ thẩm ngày 24/6/2014 của TAND tỉnh Q và Bản án Hình sự ngày 18/11/2014 phúc thẩm của TANDTC tại thành phố Đ đều kết tội bị cáo  Phan Như phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự vì có lỗi gây thiệt hại cho người khác có giá trị trên 70 triệu đồng (73.859.500 đồng).

    Thông tư liên tịch Số: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ  luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông có quy định:

    1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

    ..................................................

    e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

    Điều đáng nói là trong số tiền gây thiệt hại trong các bản án trên có cả 9.719.000 đồng chi phí cứu  chữa, điều trị nạn nhân bị thương tật  với tỷ lệ tạm  thời  là 12%. Trong số tiền 9.719.000 đồng lại bao gồm luôn cả tiền thuê xe đi lại để tái khám, tiền công người nhà chăm sóc trong những ngày nằm viện, tiền ăn uống, bồi dưỡng ...

    Ngược lại với nhận định của hai bản án trên, nhiều người đồng tình với quan điểm thiệt hại về tài sản không bao gồm chi phí cứu chữa nạn nhân bởi các lẽ sau đây:

    Một là, để xác định, phân biệt  thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản Bộ luật Dân sự đã quy định rõ tại các Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Theo đó, các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ, chăm sóc người bị thiệt hại về sức khỏe và người bị thiệt hại về tính mạng trước khi chết không thuộc thiệt hại về tài sản. Trách nhiệm bồi thường các chi phí này theo quan hệ dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do  vậy, các chi phí này không thể  xem là thiệt hại về tài sản để định tội hoặc khung hình phạt.

    Hai là, nếu xem chi phí cứu chữa nạn nhân là  thiệt hại về tài sản để định tội hoặc khung hình phạt thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn  trong cùng một  điều luật cũng như mâu thuẫn với các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự.

    Chẳng hạn, chi phí cứu  chữa nạn nhân trước khi chết từ 70 triệu đồng trở lên sẽ  làm  cho người gây tai nạn có thể chịu mức hình phạt quy định tại tại khoản 2 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 3 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223. Thậm chí là khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự. Điều này thật  hết  sức vô lý nếu như nạn nhân chết ngay  tại chỗ thì người gây tai nạn chịu mức hình phạt nhẹ hơn là nạn nhân chết sau một thời gian cấp cứu điều trị.

    Mặt khác, tất cả các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe  quy định tại chương XII của Bộ luật Hình sự hoàn toàn không đặt ra trách nhiệm hình sự đối với chi phí cứu chữa, điều trị, mai táng phí ... đối với người bị hại.

    Ba là, các chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ, chăm sóc người bị thiệt hại về sức khỏe và người bị thiệt hại về tính mạng trước khi chết đều do người bị hại (nạn nhân) hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu. Toàn bộ chi  phí  này không  phải lúc nào cũng được Tòa án xem là chi phí hợp lý để buộc người gây ra tai nạn hoặc chủ phương tiện bồi thường. Như vậy, về mặt tố tụng chẳng lẽ Tòa án phải xem xem giải quyết phần trách nhiệm dân sự trước. Sau đó, mới lấy  kết quả giải quyết trách nhiệm dân sự để định tội, định khung hình phạt  cho người  gây ra tai nạn. Điều này trái với  nguyên tắc tố tụng hình sự.

    Cần khẳng định rằng:  Chi  phí cứu chữa điều trị đối với người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe trong các vụ án giao thông không phải  là thiệt hại về tài sản phải chịu trách nhiệm  hình sự. Nhận thức  thiếu đúng đắn về quy phạm pháp luật  như 02 bản án trên sẽ và còn  dẫn đến nhiều vụ  án oan, sai. Đặc biệt đối với các vụ án về tai nạn giao thông. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính đến tháng 11 năm nay cả nước đã xảy ra 23.256 vụ, làm chết 8.272 người, làm bị thương 22.434 người.

    Vì vậy, điều hết  sức cần thiết là ban hành ngay văn bản để hướng dẫn việc thống nhất áp dụng pháp luật về Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch Số: 09 /2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ  luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

     

    Ths.Ls. Nguyễn Văn Phước - Văn phòng Luật sư Huế (HUELAW)

    31 Tố Hữu, thành phố Huế - 0543.816818 - 0913148869

    Email: phuochuelaw@gmail.com        www.huelaw.com.vn     

     
    4304 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #362575   13/12/2014

    hungmaiusa
    hungmaiusa
    Top 10
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2013
    Tổng số bài viết (4119)
    Số điểm: 30115
    Cảm ơn: 963
    Được cảm ơn 1985 lần


    Chào luật sư.

    Tôi cũng nghĩ là áp dụng pháp luật của 2 bản án trên là không phù hợp với quy định. Thiệt hại về tài sản và thiệt hại về sức khoẻ hoàn toàn khác nhau.

    Theo luật dân sự:

    Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

    Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:

    1. Tài sản bị mất;

    2. Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

    3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;

    4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

    Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

    1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

    a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

    b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

    c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

    2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. 

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hungmaiusa vì bài viết hữu ích
    huelaw (17/12/2014)