Chế độ phụ cấp cho người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại

Chủ đề   RSS   
  • #614521 25/07/2024

    Chế độ phụ cấp cho người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại

    Khi nào người lao động hưởng được hưởng phụ cấp độc hại? Mức xử phạt khi doanh nghiệp không trả phụ cấp độc hại cho người lao động

    1/ Các trường hợp được hưởng phụ cấp khi người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại

    Hiện nay pháp luật có không quy định cụ thể thế nào là phụ cấp độc hại đồng thời không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải trả phụ cấp cho người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại.

    Tuy nhiên, người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại sẽ được trả phụ cấp và được hưởng chế độ ưu đãi nếu thuộc các trường hợp sau:

    (1) Phụ cấp độc hại được trả theo thỏa thuận

    Căn cứ Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

    Tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 quy định về chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

    Đồng thời theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ sẽ được người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận với nhau và là nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.

    Căn cứ các quy định trên, trong trường hợp doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận với nhau về việc người lao động sẽ được hưởng phụ cấp độc hại khi làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại và quy định trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của doanh nghiệp thì lúc này, khoản phụ độc hại sẽ được xác định là phụ cấp lương và là một phần của tiền lương mà người lao động sẽ được nhận. Khi trả phụ cấp độc hại thì doanh nghiệp phải trả bằng tiền.

    (2) Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật

    Bồi dưỡng bằng hiện vật là chính sách hỗ trợ từ cơ quan nhà nước dành cho người lao động làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

    Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH thì người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:

    - Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

    - Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:

    + Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

    + Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH).

    Việc xác định các yếu tố này phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH thì việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm và không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.

    Theo đó, nếu người lao động đáp ứng đồng thời 02 điều kiện được quy định tại Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH thì người lao động sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật. Khi đó, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện chế độ bồi dưỡng cho NLĐ bằng hiện vật, không được quy đổi thành tiền hoặc tính vào lương cho người lao động.

    2/ Mức xử phạt khi doanh nghiệp không chi trả phụ cấp độc hại đã được thỏa thuận và chế độ bồi dưỡng hiện vật cho người lao động

    Theo nội dung đã phân tích ở mục 1 thì doanh nghiệp không chi trả phụ cấp độc hại cho người lao động khi đã có thỏa thuận được quy định trong hợp đồng lao động và chế độ bồi dưỡng hiện vật được Nhà nước quy định sẽ bị xử phạt như sau:

    (1) Đối với trường hợp không trả phụ cấp độc hại cho NLĐ khi khoản phụ cấp độc hại này được quy định HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của doanh nghiệp:

    Khi khoản phụ cấp độc hại này được quy định HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của doanh nghiệp thì khoản phụ cấp này được xác định là tiền lương của NLĐ nên khi doanh nghiệp không trả phụ cấp độc hại cho NLĐ tức là doanh nghiệp trả không đủ lương cho NLĐ. 

    Do đó, trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với hành vi "trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động" với mức phạt như sau:

    -  Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;

    - Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;

    - Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;

    - Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;

    - Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

    Và doanh nghiệp phải trả đủ khoản phụ cấp độc hại đã cam kết trong HĐLĐ cộng với số tiền lãi của khoản phụ cấp do doanh nghiệp không trả cho NLĐ. Khoản lãi này được tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (được quy định tại Khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

    (2) Đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật

    Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ đáp ứng đủ điều kiện được hưởng chế độ thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 8 và Khoản 11 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    - Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;

    - Từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;

    - Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;

    - Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;

    - Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

    Và doanh nghiệp phải trả cho NLĐ khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.

    Lưu ý: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt được quy định tại Điều 17, Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân. 

    Do đó, khi doanh nghiệp bị xử phạt theo Điều 17, Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì sẽ áp dụng mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Các mức phạt được nêu trên đã được quy đổi phù hợp cho doanh nghiệp khi bị xử lý vi phạm.

    => Như vậy, doanh nghiệp phải trả phụ cấp độc hại cho NLĐ bằng tiền nếu phụ cấp được quy định trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của doanh nghiệp. Trường hợp NLĐ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật thì doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật. 

     

     
    118 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận