Chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự

Chủ đề   RSS   
  • #521468 24/06/2019

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự

    Chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự

    ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI ( Sở Tư pháp Ninh Bình) - Khái niệm về hợp đồng dân sự cần phải được xem xét ở nhiều phương diện khác nhau. Theo phương diện khách quan thì hợp đồng dân sự là do các quy phạm pháp luật của Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.

    1. Những vấn đề chung về hợp đồng

    Khái niệm về hợp đồng dân sự cần phải được xem xét ở nhiều phương diện khác nhau. Theo phương diện khách quan thì hợp đồng dân sự là do các quy phạm pháp luật của Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.

    Yêu cầu của quá trình tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các tranh chấp từ hợp đồng, đòi hỏi cần phải có sự phân biệt rạch ròi giữa một hợp đồng thương mại với một hợp đồng dân sự. Có thể nói rằng, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự như một cặp song sinh. Vì vậy, trong thực tế có rất nhiều hợp đồng không thể phân biệt được là hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự. Để có thể phân biệt được hai loại hợp đồng này phải xác định được cụ thể mục đích của từng loại hợp đồng. Nếu các bên chủ thể (hoặc ít nhất có một bên) tham gia hợp đồng với mục đích thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng thì hợp đồng đó được xác định là hợp đồng dân sự. Vì vậy, chỉ được coi là hợp đồng thương mại khi các bên chủ thể tham gia đều nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, mục đích tham gia cũng chỉ là một cơ sở mang tính tương đối trong việc phân biệt giữa hai loại hợp đồng vì rằng có những hợp đồng cả hai bên đều mang mục đích kinh doanh nhưng không thể coi đó là hợp đồng thương mại được nếu có một bên chủ thể là cá nhân không có đăng ký kinh doanh.

    2. Hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

    2.1. Hình thức của hợp đồng.

    Những điều khoản mà các bên đã cam kết thỏa thuận phải được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định. Hay nói cách khác, hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất của từng hợp đồng cũng như tùy thuộc vào độ tin tưởng lẫn nhau mà các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một hình thức nhất định trong việc giao kết hợp đồng cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Điều 119 BLDS năm 2015 thì hình thức của hợp đồng (cũng là hình thức của giao dịch dân sự) bao gồm: (i) Hình thức miệng (bằng lời nói); (ii) Hình thức viết (bằng văn bản); (iii) Hình thức có công chứng, chứng thực, đăng ký.

    2.2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

    Khi hợp đồng đã có hiệu lực, các bên phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã được xác định từ hợp đồng đó. Trên cơ sở của hình thức đã giao kết mà hiệu lực của hợp đồng được xác định theo từng thời điểm khác nhau. Về nguyên tắc, hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn được xác định theo sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hợp đồng được coi là có hiệu lực vào một trong các thời điểm sau: (i) Hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thỏa thuận với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng; (ii) Hợp đồng bằng văn bản thường, có hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hợp đồng; (iii) Hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký có hiệu lực tại thời điểm văn bản hợp đồng được công chứng, chứng thực, đăng ký; (iv) Hợp đồng còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên đã tự thỏa thuận để xác định hoặc trong trường hợp mà pháp luật đã quy định cụ thể. Ví dụ: hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực tại thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản (Điều 458 BLDS năm 2015).

    3. Nội dung của hợp đồng

    Nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên trong hợp đồng.

    Điều 398 BLDS năm 2015 quy định: “1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng; 2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau: a. Đối tượng của hợp đồng; b. Số lượng, chất lượng; c. Giá, phương thức thanh toán; d. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; đ. Quyền, nghĩa vụ của các bên; e. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; g. Phương thức giải quyết tranh chấp”.

    Nội dung của hợp đồng được hiểu là tổng hợp các điều khoản trong hợp đồng do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Về mặt khoa học pháp lý, các điều khoản trong hợp đồng được chia thành ba loại là điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường và điều khoản tùy nghi.

    Thứ nhất, điều khoản cơ bản: Là các điều khoản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng. Đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thỏa thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng hợp đồng quyết định hoặc do pháp luật quy định. Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả…

    Thứ hai, điều khoản thông thường: Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định. Khi có tranh chấp, sẽ căn cứ vào những quy định của pháp luật để giải quyết. Khác với điều khỏa cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng tới quá trình giao kết hợp đồng.

    Thứ ba, điều khoản tùy nghi: Là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, các bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.

    4. Giao kết và thực hiện hợp đồng

    Giao kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự.

    4.1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng

    Khi giao kết hợp đồng, các chủ thể phải tuân theo nguyên tắc chung được quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015: (i) Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; (ii) Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng.

    Như vậy, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể thỏa mãn được các nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần, BLDS cho phép mọi chủ thể được quyền “tự do giao kết hợp đồng”. Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia giao kết bất kỳ hợp đồng nào nếu họ muốn mà không ai có quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của mình, các chủ thể có quyền giao kết những hợp đồng dân sự đã được pháp luật quy định cụ thể cũng như những hợp đồng dân sự khác dù rằng pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, sự tự do ý chí đó phải nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, các chủ thể phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, tự do của mỗi chủ thể phải không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

    Bên cạnh đó, hợp đồng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Vì thế, muốn xem xét có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không, cần phải dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù: Ý chí và sự bày tỏ ý chí. Ý chí tự nguyện chính là sự thống nhất giữa ý muốn chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý chí đó ra bên ngoài. Vì vậy, để xác định một hợp đồng dân sự có tuân theo nguyên tắc tự nguyện hay không cần phải dựa vào sự thống nhất ý chí của người giao kết hợp đồng và sự thể hiện ý chí đó trong nội dung của hợp đồng mà người đó đã giao kết. Chỉ khi nào hợp đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của các giao kết thì việc giao kết đó mới được coi là tự nguyện.

    Như vậy, tất cả các hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc đe dọa đều là những hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết. Vì thế, nó sẽ bị coi là vô hiệu.”

    4.2. Trình tự giao kết hợp đồng

    Trình tự giao kết hợp đồng là quá trình mà trong đó các bên chủ thể bày tỏ ý chí với nhau bằng cách trao đổi ý kiến để đi đến thỏa thuận trong việc cùng nhau làm xác lập những quyền và nghĩa vụ dân sự đối với nhau. Thực chất đó là quá trình mà hai bên “mặc cả” về những điều khoản trong nội dung của hợp đồng. Qúa trình đó diễn ra qua hai giai đoạn sau:

    Một là, đề nghị giao kết hợp đồng: Khi một người muốn thiết lập một hợp đồng thì ý muốn đó phải thể hiện ra bên ngoài thông qua một hành vi nhất định, như vậy thì phía đối tác mới có thể nhận biết được ý muốn của họ và từ đó mới có thể đi đến việc giao kết hợp đồng. Để người mà mình muốn giao kết hợp đồng với họ có thể hình dung được hợp đồng đó như thế nào, người đề nghị phải đưa ra những điều khoản của hợp đồng một cách cụ thể và rõ ràng. Việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, có thể là trực tiếp hoặc thông qua việc chuyển công văn, giấy tờ qua đường bưu điện.

    Để bảo đảm quyền lợi cho người đề nghị, Điều 386 BLDS năm 2015 đã quy định: “Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”.

    Như vậy, lời đề nghị mặc dù chưa phải là một hợp đồng nhưng ít nhiều đã có tính chất ràng buộc đối với người đề nghị. Tuy nhiên, bên đề nghị vẫn có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong trường hợp: (i) Bên được đề nghị chưa nhận được đề nghị; (ii) Bên đề nghị có nêu rõ điều kiện được thay đổi hoặc rút lại đề nghị và điều kiện đó đã đến.

    Hai là, thông tin giao kết hợp đồng: Theo quy định tại Điều 387 BLDS 2015, đối với trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Bên vi phạm quy định trên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là điều hoàn toàn mới, nhằm quản lý chặt chẽ thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng và là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh.

    Ba là, thời điểm giao kết hợp đồng: Tại Khoản 1 điều 388 trong BLDS 2015 có quy định: Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau: Do bên đề nghị ấn định. Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Ở đây, BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm chế định loại trừ “Trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”, phù hợp với thực tiễn áp dụng ở nước ta. Và quy định như vậy là để tránh mâu thuẫn giữa các đạo luật khác, đồng thời ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

    Bốn là, im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng: Theo quy định tại Điều 393 của BLDS 2015, sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. Đây là quy định làm rõ hơn trường hợp nào thì im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và trường hợp im lặng nào thi không. Với việc bổ sung nội dung này đã hạn chế những tranh chấp phát sinh từ sự im lặng.

    Theo Điều 400 trong BLDS 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Quy định này đã bổ sung thời điểm giao kết hợp đồng bằng hình thức chấp nhận khác. Và quy định như vậy sẽ rõ ràng, dễ vận dụng và hạn chế xảy ra tranh chấp từ chế định “sự im lặng” khi giao kết. Đồng thời, phù hợp thực tiễn áp dụng với việc bổ sung thêm quy định những hình thức khác được thể hiện trên văn bản.

    Năm là, chấp nhận giao kết hợp đồng: Là việc bên được đề nghị nhận lời đề nghị và đồng ý tiến hành việc giao kết hợp đồng với người đã đề nghị. Về nguyên tắc, bên được đề nghị phải trả lời ngay về việc có chấp nhận giao kết hợp đồng hay không. Trong những trường hợp, cần phải có thời gian để bên được đề nghị cân nhắc, suy nghĩ mà các bên đã ấn định thời hạn trả lời thì bên được đề nghị phải trả lời trong thời hạn đó. Nếu sau thời hạn nói trên, bên được đề nghị mới trả lời về việc chấp nhận giao kết hợp đồng thì lời chấp nhận đó được coi như một lời đề nghị mới của bên chấp nhận trả lời; Nếu việc trả lời được chuyển qua bưu điện thì ngày gửi đi theo dấu của bưu điện được coi là thời điểm trả lời. Căn cứ vào thời điểm đó để bên đã đề nghị xác định việc trả lời có chậm hay không so với thời hạn ấn định.

    Người được đề nghị có thể chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị, cũng có thể chấp nhận một phần trong nội dung đó hoặc có thể chỉ chấp nhận việc giao kết hợp đồng nhưng không đồng ý với nội dung mà bên đề nghị đã đưa ra. Nghĩa là trong những trường hợp này, người được đề nghị muốn sửa đổi hoặc thay đổi nội dung mà người đề nghị đã đưa ra. Vì vậy, họ sẽ trở thành người đề nghị mới và người đã đề nghị trước đó lại trở thành người được đề nghị. Sự hoán vị này có thể xảy ra nhiều lần cho đến khi nào các bên thống nhất thỏa thuận được với nhau toàn bộ nội dung của hợp đồng thì sẽ đi đến chính thức giao kết hợp đồng.

    Sáu là, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng: Theo Điều 391 trong BLDS 2015, thì việc đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây: Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng; Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận; Hết thời hạn trả lời chấp nhận; Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực; Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực; Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời. Như vậy, ở chế định này đã bổ bổ sung thêm trường hợp: Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng. Và việc bổ sung quy định này vừa đúng về mặt lý luận và phù hợp với thực tiễn áp dụng.

    4.3.Thực hiện hợp đồng

    Khi thực hiện hợp đồng dân sự, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác mà nội dung của hợp đồng đã xác định. Ngoài ra, việc thực hiện hợp đồng còn phải tuân theo những cách thức mà pháp luật đã quy định đối với từng loại hợp đồng cụ thể:

    + Đối với hợp đồng đơn vụ (Điều 409 BLDS năm 2015) thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó đúng thời hạn đã thỏa thuận. Việc thực hiện trước hoặc sau thời hạn mà không được sự đồng ý của người có quyền sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng.

    + Đối với hợp đồng song vụ (Điều 410 BLDS năm 2015) thì trong hợp đồng song vụ, mỗi bên đêu phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến thời hạn. Các bên đều không được lấy lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình mà hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (trừ trường hợp việc không thể thực hiện được nghĩa vụ).

    Nếu trong hợp đồng song vụ không xác định bên nào phải thực hiện nghĩa vụ trước thì cùng một lúc, các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi của các bên trong hợp đồng, pháp luật còn quy định cho phải thực hiện nghĩa vụ đó nếu tài sản của bên kia giảm sút nghiêm trọng đến mức không có khả năng để thực hiện hợp đồng. Khi nào bên kia khôi phục được khả năng để có thể thực hiện hợp đồng hoặc đã có người bảo lãnh thì người phải thực hiện nghĩa vụ trước tiếp tục thực hiện hợp đồng.

    + Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó trước người thứ ba khi đến hạn. Bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu giữa các bên tham gia hợp đồng đang có tranh chấp về việc thực hiện thì người thứ ba phải tạm dừng quyền yêu cầu cho đến khi tranh chấp được giải quyết.

    + Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420 BLDS năm 2015), trong trường hợp này, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

    Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi; Trong thời gian các bên đang đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hoặc Tòa án đang giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Chỉ được coi là có hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau: (i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra khi giao kết hợp đồng; (ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; (iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; (iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; (v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

    ....

    Còn nữa (Bạn tải file đính kèm bên dưới)

    Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

     
    20648 | Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn lamkylaw vì bài viết hữu ích
    admin (03/04/2023) shinichi45 (30/06/2019) GHLAW (24/06/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #522451   30/06/2019

    thuylinh2311
    thuylinh2311
    Top 75
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:01/12/2017
    Tổng số bài viết (920)
    Số điểm: 9451
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 142 lần


    Những hợp đồng được lập bởi công dân Việt Nam, giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam thì có cần phải đưa dòng chữ "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam" ngay đầu hợp đồng không? Có bắt buộc phải có không? Cho mình hỏi khi lập hợp đồng thì căn cứ vào những văn bản nào?
     
     
    Báo quản trị |  
  • #531575   28/10/2019

    thuylinh2311 viết:

    Những hợp đồng được lập bởi công dân Việt Nam, giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam thì có cần phải đưa dòng chữ "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam" ngay đầu hợp đồng không? Có bắt buộc phải có không? Cho mình hỏi khi lập hợp đồng thì căn cứ vào những văn bản nào?
     

    Tùy vào đối tượng giao kết hợp đồng mà văn bản áp dụng sẽ khác nhau. Ví như hai bên là thương nhận thì văn bản áp dụng là Luật thương mại 2005, còn trường hợp không có quy định riêng sẽ áp dụng Bộ luật dân sự 2015. Còn dòng "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN" là tùy người soạn thảo đặt vào thôi chứ không có quy định bắt buộc.

     
    Báo quản trị |  
  • #586796   29/06/2022

    haunguyenth
    haunguyenth
    Top 150
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/02/2022
    Tổng số bài viết (591)
    Số điểm: 3816
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 43 lần


    Chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự

    Bài viết tổng hợp của bạn khá đầy đủ và giúp ích cho mọi người, nhờ bài viết của bạn mà mọi người sẽ có thêm thông tin kiến thức về hợp đồng, đây là những  nguồn thông tin rất cần thiết, thông dụng mà mọi người sẽ thường gặp trong cuộc sống.

     
    Báo quản trị |  
  • #588667   29/07/2022

    Chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự

    Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trong đời sống, khi nhắc tới hợp đồng, đa số đều hiểu đó là một văn bản có ghi các thỏa thuận. Thực tế hợp đồng chỉ là sự thỏa thuận, dù có là nói miệng đi nữa thì đó cũng là hợp đồng.

     
    Báo quản trị |