Chào bạn, trường hợp của bạn có thể tham khảo ý kiến sau:
Căn cứ Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
“Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Theo đó, đối chiếu với trường hợp của bạn, có thể thấy bạn vẫn có thể hưởng thừa kế thế vị theo quy định như đã nêu trên.
Tuy nhiên, để được thừa kế thế vị thì cũng cần phải đáp ứng được điều kiện là khi còn sống, cha của bạn phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nghĩa là không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản thì bạn mới được thế vị).
Tiếp theo, về phần di sản thừa kế thế vị mà bạn được hưởng: Theo tinh thần của Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2015 thì tất cả những người thừa kế thế vị cùng được hưởng chung phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Theo đó mà phần di sản được hưởng của bạn và em gái của bạn sẽ được chia bằng nhau.
Về phần thủ tục, tại Khoản 4 Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015 có nêu rõ, trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Theo đó, để được hưởng phần di sản này thì bạn cùng những người con còn lại của ông bạn sẽ cùng thực hiện thủ tục khai nhận di sản theo trình tự như sau:
Bước 1: Những người khai nhận di sản thừa kế nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng;
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị khai nhận di sản thừa kế
- Giấy tờ chứng minh quyền thừa kế (tại đây là Di chúc hợp lệ của ông bạn)
- Giấy tờ chứng minh tài sản thừa kế: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm...;
- Bản kê khai di sản thừa kế: Liệt kê tất cả tài sản của người để lại di sản giá trị và tình trạng tài sản;
- Giấy tờ khác: Theo yêu cầu của công chứng viên.
Bước 2: Công chứng viên sẽ thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Niêm yết thụ lý công chứng
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
Bước 4: Công chứng viên lập Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
Bước 5: Công chứng viên sẽ thông báo cho các bên liên quan về việc đã hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Bước 6: Nộp lệ phí công chứng
Tại đây, bạn và em gái bạn có thể làm văn bản ủy quyền khai nhận di sản thừa kế để bạn thay mặt em gái của bạn thực hiện những nội dung nêu trên.