Chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên theo Án lệ số 61/2023/AL?

Chủ đề   RSS   
  • #606845 15/11/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên theo Án lệ số 61/2023/AL?

    Cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thống nhất giao lại con nuôi chưa thành niên cho cha mẹ đẻ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng thì Tòa án có chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi?

    Tìm hiểu nội dung án lệ số 61/2023/AL về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên (được ban hành kèm theo Quyết định 39/QĐ-CA năm 2023 về công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Nội dung vụ án:

    - Tại đơn yêu cầu, bản tự khai ngày 17/4/2019, người yêu cầu là ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q trình bày:

    Ông T và bà Q kết hôn với nhau vào năm 1999 và đã có 02 người con chung (nay đã trưởng thành). Năm 2015, vợ chồng em ruột là Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo T1 có khó khăn về kinh tế, nên đồng ý cháu Nguyễn Minh Khánh H1, sinh ngày 31/10/2003 là con nuôi của vợ chồng ông bà, nên ông bà đã làm thủ tục nhận nuôi tại UBND xã A, huyện B và được cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 01 ngày 15/9/2015.

    Sau khi nhận con nuôi, ông bà đã thay đổi họ của cháu từ Nguyễn Minh Khánh H1 thành Trần Minh Khánh H1 và chăm sóc cháu, nuôi dưỡng cháu tốt. Nhưng nay cháu H1 có nguyện vọng được về sống cùng bố mẹ ruột, nên ông bà yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu Trần Minh Khánh H1.

    - Tại bản tự khai ngày 17/4/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Thanh H, chị Trần Thị Thảo T1 trình bày:

    Anh chị chung sống và đăng ký kết hôn tại UBND xã A (đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn năm 1998). Quá trình chung sống anh chị có 03 người con chung là: Nguyễn Minh C, sinh ngày: 10/01/2000, Nguyễn Minh Khánh H1, sinh ngày: 31/10/2003, Nguyễn Khánh M, sinh ngày: 08/7/2009. Vào năm 2015, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên anh chị đồng ý để cháu Nguyễn Minh Khánh H1 làm con nuôi của chị ruột anh H là bà Nguyễn Thị Q và ông Trần Công T.

    Khi được nhận nuôi, cháu H1 được đổi họ thành Trần Minh Khánh H1, đồng thời cháu được nuôi dưỡng và học tập tốt. Nhưng nay cháu H1 có nguyện vọng được về sinh sống cùng anh chị nên anh chị đồng ý.

    - Tại bản tự khai ngày 17/4/2019, cháu Trần Minh Khánh H1 trình bày:

    Cháu là con ruột của cha Nguyễn Thanh H và mẹ Trần Thị Thảo T1 và đang học lớp 10A1 - Trường THPT N, thị trấn O, huyện B, Đồng Nai.

    Năm 2015, do hoàn cảnh gia đình cha mẹ gặp khó khăn và đông con nên cha mẹ cháu đồng ý để bác Trần Công T và bác Nguyễn Thị Q nhận cháu làm con nuôi.

    Sau khi nhận nuôi, thì cháu về sinh sống tại nhà bác và được đổi họ từ Nguyễn Minh Khánh H1 thành Trần Minh Khánh H1. Khi sống tại nhà bác, cháu sống và học tập tốt và vẫn giữ liên lạc với gia đình. Nhưng do nay cháu đã lớn và về nhà có đông anh chị em nên cháu có nguyện vọng được về sống cùng bố mẹ ruột.

    Nay hai bác Trần Công T và Nguyễn Thị Q yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì cháu đồng ý.

    Nhận định Tòa án:

    [4] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

    [5] Ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với cháu Trần Minh Khánh H1, sinh ngày 31/10/2003, địa chỉ: 113 dãy 8, khu B, ấp L, xã A, huyện B, tỉnh Đồng Nai. Nên căn cứ khoản 5 Điều 29, điểm b khoản 2 Điều 35, điểm 1 khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì quan hệ của việc dân sự là: “Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom.

    [6] Về nội dung:

    [7] Năm 2015, ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q nhận nuôi cháu Nguyễn Minh Khánh H1 là con đẻ của anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo T1 làm con nuôi, các bên có làm hồ sơ nhận nuôi con nuôi và được Ủy ban nhân dân xã A cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 01 ngày 15/9/2015 nên quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp và các bên đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

    [8] Nay cháu H1 có nguyện vọng về ở với bố mẹ đẻ để có điều kiện chăm sóc và hỗ trợ các em ăn học, được bố mẹ nuôi là ông T, bà Q và bố mẹ đẻ là anh H, chị T1 đồng ý, nên ông T, bà Q làm đơn đề nghị Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyện và phù hợp với quy định tại Điều 78 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Do đó cần chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q với cháu Trần Minh Khánh H1.

    Nội dung án lệ:

    “[7] Năm 2015, ông Trần Công T và bà Nguyễn Thị Q nhận nuôi cháu Nguyễn Minh Khánh H1 là con đẻ của anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo T1 làm con nuôi, các bên có làm hồ sơ nhận nuôi con nuôi và được Ủy ban nhân dân xã A cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 01 ngày 15/9/2015 nên quan hệ nuôi con nuôi là hợp pháp và các bên đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

    [8] Nay cháu H1 có nguyện vọng về ở với bố mẹ đẻ để có điều kiện chăm sóc và hỗ trợ các em ăn học, được bố mẹ nuôi là ông T, bà Q và bố mẹ đẻ là anh H, chị T1 đồng ý, nên ông T, bà Q làm đơn đề nghị Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyện và phù hợp với quy định tại Điều 78 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Do đó cần chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông Trần Công T, bà Nguyễn Thị Q với cháu Trần Minh Khánh H1.”

    Như vậy, trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi thống nhất giao lại con nuôi chưa thành niên cho cha đẻ, mẹ đẻ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; con nuôi có nguyện vọng được về sống với cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Trường hợp này, Tòa án phải chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

    Theo quy định hiện hành, những tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều  26 Luật nuôi con nuôi 2010:

    “Điều 26. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi

    1. Cha mẹ nuôi.

    2. Con nuôi đã thành niên.

    3. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

    4. Cơ quan, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật này:

    a) Cơ quan lao động, thương binh và xã hội;

    b) Hội liên hiệp phụ nữ”.

     
    449 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận