Cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con?

Chủ đề   RSS   
  • #602606 17/05/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (268)
    Số điểm: 2117
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 22 lần


    Cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con?

    Có những trường hợp vợ chồng kết hôn nhưng cuộc sống không hạnh phúc, chồng hành hạ vợ hay vợ ngược đãi chồng. Trong trường hợp như vậy thì cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con không và tài sản được chia như thế nào?

    1. Ly hôn là gì?

    Theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì ly hôn được định nghĩa là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, quan hệ vợ chồng chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nhưng nếu vợ chồng muốn ly hôn thì phải có người yêu cầu Tòa án thì Tòa án mới xem xét và giải quyết ly hôn. Vậy ai sẽ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?

    2. Quyền yêu cầu giải quyết  ly hôn

    Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các chủ thể sau đây có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

    - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

    - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

    Theo quy định trên có thể thấy, vợ chồng sẽ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, chồng không có có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, cha mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nhưng trong trường hợp vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi và là nạn nhân của bạo lực gia đình do người chồng, người vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần.

    Như vậy, cha mẹ vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu con bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi và đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ gây ra, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của con.

    3. Chia tài sản khi ly hôn

    Việc vợ chồng chia tài sản khi ly hôn được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo luật định:

    - Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì giải quyết tài sản theo thỏa thuận đó, nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì theo quy định pháp luật.

    - Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    Theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố:

    - Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

    - Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

    - Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

    - Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

    Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Đối với tài sản riêng của vợ chồng thì thuộc quyền sở hữu của người đó, nếu trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. (Khoản 3 và 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

    Từ phân tích trên, có thể kết luận rằng cha mẹ vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nhưng trong trường hợp là con bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi và là nạn nhân của bạo lực gia đình do người chồng, vợ gây ra, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của con. Và bên cạnh hồ sơ và thủ tục ly hôn thì cha mẹ cần cân nhắc vấn đề giải quyết tài sản khi ly hôn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con mình.

     
    1312 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận