Cấu thành của Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự 2015

Chủ đề   RSS   
  • #503736 01/10/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 491 lần


    Cấu thành của Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự 2015

    Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 thì Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng có các mặt cấu thành sau:

    Khách thể

    Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại cũng chính là giữ vững nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.


    Mặt khách quan

    Đây là tội phạm có cấu thành hình thức nên để trở thành tội phạm thì người phạm tội phải có đầy đủ cả 03 yếu tố:

    Hành vi

    Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:

    – Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.

    + Trong đó, theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) năm 2014 thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn (Điều 8) và đăng ký kết hôn (Điều 9).

    + Mặt khác nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 1 Điều 2 LHNGĐ 2014 nêu rõ: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.”

    – Người nào đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.

    Trong đó, Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung coi nhau là vợ chồng (khoản 7 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình).

    Hậu quả:

    Việc thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hậu quả xảy ra, đó là:

    + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

    + Hoặc  đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

    + Hoặc làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

    + Hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

    Lưu ý: Việc quy định về hậu quả như trên tại BLHS 2015 đãcó sự thay đổi so với BLHS 1999. Theo khoản 1 Điều 147 BLHS 1999 quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

    Tuy nhiên, cũng không có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn rõ ràng như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng của BLHS 1999 cả. Do đó, khi giải quyết Tòa án sẽ tùy trường hợp mà căn cứ vào hậu quả thực tế của vụ việc để xem xét có cấu thành tội phạm hay không.

    Còn tại BLHS 2015 như đã phân tích ở trên thì điều luật đã cụ thể hóa các hậu quả của hành vi mà nếu người phạm tội gy ra một trong các hậu quả đã quy định thì sẽ cấu thành tội phạm.


    * Mối quan hệ nhân quả

    Hành vi và hậu quả như đã nêu trên có mối quan hệ nhân quả với nhau.


    Chủ thể

    Là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo pháp luật quy định tại Điều 12 BLHS 2015.

    Có thể thấy, đối với hành vi kết hôn thì không cần xác định độ tuổi cụ thể vì bản thân nếu kết hôn thỏa mãn điều kiện để kết hôn thì đã bao gồm cả độ tuổi đủ để chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Còn trường hợp chung sống như vợ chồng của người chưa có vợ, có chồng thì người từ đủ 16 tuổi trở lên cũng có thể phải chịu trách nhiện hình sự về tội phạm này.


     Mặt chủ quan

    Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là việc thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp:

    + Về ý chí: người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và thấy trước được hậu quả có thể xảy ra.

    Về lý trí: mong muốn thực hiện hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng và để mặc cho hậu quả xảy ra.

     

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 01/10/2018 05:39:15 SA
     
    8118 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận