Ảnh hưởng của cắt giảm lao động đối với quyền và lợi ích của người lao động
“Trong nền kinh tế thị trường, người lao động có quyền sở hữu đối với sức lao động của mình, có quyền sử dụng sức lao động của mình vào bất cứ việc gì có ích cho xã hội để có thu nhập, có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm” do đó, việc cắt giảm lao động của NSDLĐ đối với NLĐ có tác động rất lớn đối với các quyền và lợi ích của NLĐ. Có thể dễ dàng nhận thấy cắt giảm lao động ảnh hưởng đến NLĐ qua rất nhiều mặt như: tiền lương, quyền được duy trì công việc, tác động của việc thay đổi, chấm dứt HĐLĐ, BHXH - trợ cấp, tổn thất về tinh thần,…
- Đối với vấn đề tiền lương
Khi tham gia vào QHLĐ chắc chắn một trong những vấn đề mà cả NSDLĐ lẫn NLĐ đều quan tâm hàng đầu đó là vấn đề tiền lương. Nếu đối với NSDLĐ, việc cắt giảm lao động sẽ giúp họ giảm đi chi phí nhân công và có thể giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn thì ở chiều ngược lại, tác động của cắt giảm lao động đối với tiền lương của NLĐ lại rất lớn và đặt ra nhiều vấn đề trên thực tế.
Khi cắt giảm lao động diễn ra tức khi NSDLĐ thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc tổ chức lại doanh nghiệp, một bộ phận NLĐ sẽ được doanh nghiệp giữ lại, đào tạo và sử dụng vào vị trí công việc mới trong khi đó những NLĐ còn lại sẽ bị chấm dứt HĐLĐ điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là tiền lương của NLĐ sẽ có sự thay đổi theo hai hướng, một là tiền lương của họ sẽ thay đổi, sẽ tăng lên hoặc giảm đi tùy thuộc vào công việc mới và có thể là NSDLĐ mới, hai là NLĐ sẽ không được trả lương nữa do QHLĐ chấm dứt. Với hệ quả thứ nhất có thể thấy trong trường hợp này, tiền lương của NLĐ sẽ bị tác động nhưng sự tác động này có thể diễn ra theo hai chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Ở mặt tích cực, việc được sử dụng vào một vị trí mới hoặc làm việc cho NSDLĐ mới tiền lương của NLĐ sẽ được tăng lên do vai trò, vị trí của họ lúc này đã khác hoặc NSDLĐ mới với chế độ đãi ngộ tốt hơn điều này là một hệ quả đáng mừng đối với NLĐ. Trên thực tế điều này chỉ xảy ra phổ biến khi trên thị trường xuất hiện hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” tức doanh nghiệp có sự thay đổi do các công ty lớn, tập đoàn lớn thâu tóm doanh nghiệp bằng cách sát nhập, liên doanh, hợp tác lại với nhau (hoạt động M&A). Khi ấy, với tiềm lực tài chính của mình và với mong muốn thích ứng nhanh với môi trường mới, NSDLĐ thường có hoạt động tăng chế độ lương, thưởng cho NLĐ. Tuy nhiên, hoạt động M&A ở Việt Nam mới chỉ manh nha từ đầu những năm 2000 trở lại đây do đó hệ quả đang xét tới ở đây chưa thực sự rõ nhưng với sự phát triển không ngừng của toàn cầu hóa, trong những năm tới hứa hẹn sẽ có sự biến động lớn. Ở chiều ngược lại, cắt giảm lao động có thể khiến tiền lương của NLĐ bị giảm so với trước đó. Cần phải lưu ý rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp cắt giảm lao động là vì “lý do kinh tế” hoặc do chia, tách, sát nhập doanh nghiệp. Nếu việc sáp nhập có thể giúp NLĐ có cơ hội được tăng lương như đã đề cập thì các nguyên nhân còn lại lại là nguyên nhân khiến NLĐ có nguy cơ bị giảm lương bởi khi doanh nghiệp có lý do “kinh tế” hay chia, tách doanh nghiệp thì lúc này doanh nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn vốn do đó việc tăng hoặc giữ nguyên lương cho NLĐ là điều không thể. Việc bị giảm lương đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập chính của NLĐ sẽ bị giảm đi từ đó ảnh hưởng tới đời sống của họ. Thu nhập bị giảm khiến NLĐ phải cân đối lại cuộc sống của mình, việc chi tiêu sẽ trở nên hạn hẹp hơn và họ sẽ phải cân nhắc việc tiếp tục hay chấm dứt QHLĐ.
Nếu hệ quả thứ nhất dẫn đến việc NLĐ có sự thay đổi về tiền lương của NLĐ thì với hệ quả thứ hai, NLĐ sẽ không còn được trả lương tức sẽ mất đi nguồn thu nhập chính và thường xuyên của họ, điều này tất thảy sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với NLĐ so với việc bị giảm lương như đã phân tích. Việc bị mất đi nguồn thu nhập từ tiền lương không chỉ tác động tới cuộc sống của NLĐ mà ở tầm vĩ mô có thể thấy, cắt giảm lao động còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, hiện tượng có tác động rất lớn đối với xã hội. Như đã đề cập, khi không còn nguồn thu nhập chính NLĐ sẽ có cuộc sống vô cùng khó khăn, không những họ phải sống eo hẹp, cắt giảm chi tiêu mà có thể họ còn phải chịu cảnh nợ nần khi tình trạng này kéo dài. Về phía xã hội, cắt giảm lao động dẫn đến tình trạng thất nghiệp với hệ quả là các vấn đề trật tự xã hội được đặt ra. Khi không có nguồn thu nhập cùng với có thời gian nhàn rỗi, NLĐ có khả năng sẽ tham gia vào các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật hay cờ bạc,… Tình trạng này sẽ gây sự bất ổn và nhiều hệ lụy cho xã hội.
- Quyền được duy trì công việc khi doanh nghiệp cắt giảm lao động:
Quyền được làm việc là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp ghi nhận[1] do vậy hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay cụ thể hơn là cắt giảm lao động mà không có căn cứ là xâm phạm tới quyền được làm việc của công dân. Mặt khác, khi được NSDLĐ nhận vào làm việc trong doanh nghiệp, mặc dù phải chịu sự quản lí của NSDLĐ và ràng buộc bởi HĐLĐ tuy nhiên, NLĐ vẫn có các quyền đối với việc làm của mình và một trong các quyền đó là quyền được duy trì công việc mình đang làm. Có thể dễ dàng nhận thấy một bộ phận không nhỏ NLĐ khi tham gia vào quan hệ lao động không chỉ nhằm mục đích nhận tiền lương phục vụ cho cuộc sống và nhu cầu của gia đình, mà họ tham gia vào quan hệ lao động để được thực hiện công việc mình yêu thích, theo đuổi đam mê, lí tưởng của mình và có thể là được khẳng định mình. Điều này hoàn toàn là lợi ích chính đáng của NLĐ bởi bất kỳ công việc nào cũng đáng trân trọng đặc biệt là khi công việc đó đã gắn bó với họ trong suốt một thời gian dài, là công việc họ yêu thích, mong muốn được thực hện. Khi xảy ra cắt giảm lao động sẽ dẫn đến sự thay đổi công việc hoặc luân chuyển vị trí làm việc dẫn đến hệ quả tất yếu là NLĐ có hai sự lựa chọn, tiếp tục làm ở vị trí mới hoặc mất việc làm. Câu hỏi đặt ra là nếu chấp nhận được luân chuyển tới vị trí mới, công việc mới thì những quyền lợi của NLĐ sẽ thay đổi như thế nào? Họ sẽ làm gì khi bị giảm lương hay hưởng các điều kiện phúc lợi kém hơn vị trí trước đây? Đây có thể là một trong những căn cứ để họ đơn phương chấm dứt hợp đồng với NSDLĐ và họ có được nhận bồi thường (cả vật chất lẫn tinh thần) hay không?
- Tác động của cắt giảm lao động tới việc thay đổi, chấm dứt HĐLĐ: Khi doanh nghiệp cắt giảm lao động sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là HĐLĐ sẽ có sự thay đổi hoặc chấm dứt. Trường hợp thứ nhất có thể xảy ra là hợp đồng lao động có sự thay đổi, thường xảy ra khi doanh nghiệp tổ chức lại hoặc khi NSDLĐ thay đổi cơ cấu công nghệ dẫn đến NLĐ bị thay đổi việc làm. Trong trường hợp này, chủ thể cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ có sự thay đổi, cụ thể, đối với trường hợp doanh nghiệp tổ chức lại, về phía NSDLĐ, doanh nghiệp mới được hình thành do chia, tách hoặc sát nhập sẽ thay NSDLĐ cũ để thực hiện hợp đồng đối với NLĐ, như vậy liệu các quyền và nghĩa vụ của NLĐ có bị ảnh hưởng và chịu sự tác động như thế nào? Có thể dễ dàng nhận thấy hai hệ quả có thể xảy ra là: NSDLĐ mới – tức doanh nghiệp sát nhập hoặc doanh nghiệp hình thành do chia, tách không đảm bảo các quyền, lợi ích như NSDLĐ cũ và NSDLĐ mới không đảm bảo thực hiện các cam kết, thỏa ước đã ký kết.
Đối với trường hợp NSDLĐ thay đổi cơ cấu công nghệ dẫn đến NLĐ bị thay đổi việc làm, trong trường hợp này tất yếu quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐLĐ sẽ có sự thay đổi. Về phía NSDLĐ, họ có quyền thực hiện quyền quản lí, điều hành của mình thông qua việc sắp xếp vị trí làm việc, nơi làm việc, quy định nội quy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quyết định chế độ lương, thưởng, kỷ luật lao động,… Cùng với đó NSDLĐ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ của mình như việc phải đảm bảo môi trường làm việc mới với chế độ lương, thưởng, phụ cấp và các nghĩa vụ khác tương xứng theo hợp đồng lao động hoặc theo pháp luật lao động. Còn đối với NLĐ, khi chấp nhận được NSDLĐ đào tạo lại, được sử dụng ở vị trí làm việc mới cũng làm cho quyền và nghĩa vụ của họ có sự thay đổi. Với công việc mới này, NLĐ có quyền được trả lương phù hợp với sức lao động, được hưởng các chế độ tương xứng đảm bảo cho họ thực hiện công việc và NLĐ cũng có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng mới được sửa đổi, bổ sung. Như vậy, khi NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn đến NLĐ bị thay đổi việc làm thì quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ và NLĐ đều có sự thay đổi đáng kể. Tương tự như trường hợp NSDLĐ tổ chức lại doanh nghiệp, những rủi ro cũng có thể xảy đến với NLĐ đó là việc NSDLĐ không đảm bảo các quyền và lợi ích của NLĐ như đối với công việc cũ hoặc không thực hiện những cam kết mới. Nếu như đối với trường hợp NSDLĐ không thực hiện đúng HĐLĐ thì pháp luật lao động có các quy định quy định các chế tài đối với NSDLĐ khi không thực hiện đúng thì pháp luật hiện hành lại không có quy định nào đề cập tới nghĩa vụ của NSDLĐ phải đảm bảo những quyền lợi tối thiểu cho NLĐ như đối với công việc cũ cho NLĐ. Điều này dẫn đến một bất cập đó là việc NSDLĐ khi thay đổi cơ cấu, công nghệ muốn chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ các điều kiện luật định nên vẫn đào tạo, sắp xếp công việc mới cho NLĐ nhưng khi tiến hành thay đổi hợp đồng, NSDLĐ lại đưa ra hoặc cố tình sắp xếp các điều kiện có lợi cho mình và gây bất lợi cho NLĐ để buộc NLĐ phải thôi việc, chấm dứt HĐLĐ vì không thích nghi được với công việc mới, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ.
Bên cạnh đó, một rủi ro có thể xảy ra cho cả NSDLĐ lẫn NLĐ đó là trường hợp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ, tổ chức lại không thành công dẫn đến việc làm ăn thua lỗ và có thể dẫn tới việc doanh nghiệp phá sản, giải thể. Hệ quả tiêu cực này sẽ tạo ra thêm một sự biến động về việc làm cho những NLĐ được giữ lại làm việc, những người đã chấp nhận thay đổi công việc cũng như thiệt thòi do việc cắt giảm lao động trước đó.
Tác động của cắt giảm lao động tới việc thay đổi, là rất đáng lưu tâm song vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhóm người lao động được giữ lại khi doanh nghiệp cắt giảm lao động chưa nhận được sự quan tâm, điều chỉnh của pháp luật do đó đây cũng là một trong những vấn đề cần lưu tâm khi nghiên cứu chế định cắt giảm lao động. Nhóm tác giả thiết nghĩ chúng ta cần có một cơ chế bảo đảm cho NLĐ khi họ chấp nhận tiếp tục phục vụ cho NSDLĐ khi NSDLĐ cắt giảm lao động.
Trường hợp thứ 2 có thể xảy ra là việc HĐLĐ chấm dứt do NSDLĐ cắt giảm lao động. Như đã đề cập, việc cắt giảm lao động sẽ dẫn đến việc dôi dư lao động và hệ quả tất yếu là việc NSDLĐ thay đổi vị trí làm việc hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Trong các hệ quả tiêu cực của cắt giảm lao động đối với NLĐ thì chấm dứt HĐLĐ chắc chắn sẽ là hệ quả có ảnh hưởng nhiều nhất, tiêu cực nhất, đây cũng là một trong những vấn đề mà nhóm tác giả đào sâu nghiên cứu do đó vấn đề này sẽ được đề cập xuyên xuốt trong đề tài.
- Vấn đề trợ cấp mất việc làm và BHXH đối với NLĐ bị mất việc làm do cắt giảm lao động cũng là một vấn đề hết sức quan trọng khi doanh nghiệp cắt giảm lao đông bởi lẽ, đây là một trong các chế định được lập ra để bảo đảm cuộc sống cho NLĐ khi họ không còn việc làm cũng như khi họ già yếu, ốm đau. Trợ cấp mất việc bản chất là khoản tiền bù đắp cho việc NSDLĐ ĐPCDHĐLĐ vì lí do cắt giảm lao động. Tuy nhiên, những quy định về trợ cấp mất việc làm vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập trên thực tế, cụ thể có thể kể đến là: mức trợ cấp, điều kiện nhận trợ cấp và nguồn tạo lập quỹ chi trả trợ cấp mất việc làm. Bên cạnh đó, việc NLĐ bị mất việc làm do cắt giảm lao động cũng có sự tác động tới quyền lợi của NLĐ đối với việc nhận BHXH. Cụ thể có thể dẫn chứng là trường hợp NLĐ đã đóng BHXH trong suốt thời gian làm việc trước đó và chỉ còn một thời gian ngắn nữa (khoảng 1, 2 năm) sẽ được hưởng chế độ BHXH với việc nhận chế độ hưu trí hằng tháng nhưng do NSDLĐ cắt giảm lao động vào thời điểm này khiến họ khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới hoặc khiến họ không tham gia vào quan hệ lao động nào nữa buộc họ phải nhận BHXH một lần. Quyền lợi của việc hưởng BHXH một lần với việc hưởng chế độ BHXH thường xuyên là có sự khác nhau và sự chênh lệch đáng kể. Do đó, khi bị mất việc làm do cắt giảm lao động và rơi vào trường hợp như đã đề cập, NLĐ sẽ phải chịu thiệt thòi trong việc hưởng chế độ BHXH.
- Vấn đề thiệt hại về tinh thần:
Khi tham gia vào quan hệ lao động nói chung cũng như làm một công việc cụ thể nào, NLĐ sẽ kỳ vọng vào kết quả mình nhận được. Kết quả này không chỉ là kết quả hữu hình – tức lương, thưởng, các lợi ích vật chất từ công việc mà còn có cả những kết quả vô hình khác như niềm vui, sự hài lòng với bản thân và cả mong muốn phát triển bản thân. Như trên đã phân tích, những kết quả vô hình này cũng có tác động không nhỏ tới việc tham gia quan hệ lao động của NLĐ và trong nhiều trường hợp nó còn quan trọng hơn kết quả hữu hình đem lại cho NLĐ. Khi cắt giảm lao động diễn ra, NLĐ bị mất đi công việc mình đang theo đuổi sẽ ảnh hưởng tới tinh thần của họ rất nhiều. Việc quá kỳ vọng vào thành quả mà mình mong muốn đạt được nhưng không được đáp ứng hoặc buộc phải từ bỏ khiến NLĐ sẽ bị thiệt hại về tâm lý, tinh thần.Vì vậy họ xứng đáng được bảo vệ và cụ thể hơn là họ đáng được bồi thường do những tổn thất tinh thần này.
[1] Điều 35 Hiến Pháp 2013: (1) Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. (2) Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.