Lực lượng cảnh vệ - Minh họa
Thỉnh thoảng, trong các cuộc họp quan trọng của Đảng, của Chính phủ, Quốc hội, các cuộc tiếp đón quốc tế, chúng ta thường thấy một lực lượng mặc quân phục chỉnh tề, thao tác nghiêm trang đứng cầm cờ, cầm súng. Dưới đây là những thông tin có thể bạn chưa biết về lực lượng này
Cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ là gì?
Có cả một văn bản Luật quy định về lực lượng này, đó là Luật cảnh vệ 2017. Theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 như sau:
- Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.
- Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ
Đây là một lực lượng đặc biệt có cả trong Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, họ có nhiệm vụ bảo vệ những đối tượng đặc biệt theo quy định của Nhà nước.
Đối với Bộ Công an, lực lượng cảnh vệ là cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Đối với Bộ quốc phòng, lực lượng cảnh vệ là cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội. (Khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ)
Lực lượng cảnh vệ sẽ làm nhiệm vụ khi nào?
Để biết lực lượng này phải thi hành nhiệm vụ cảnh vệ khi nào, chúng ta sẽ tìm hiểu các đối tượng được cảnh vệ, trong đó bao gồm 4 đối tượng chính:
(1) Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:
a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
b) Chủ tịch nước;
c) Chủ tịch Quốc hội;
d) Thủ tướng Chính phủ;
đ) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;
e) Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
g) Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
h) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
(2) Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam bao gồm:
a) Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ;
b) Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại;
c) Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
d) Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.
(3) Khu vực trọng yếu bao gồm:
a) Khu vực làm việc của Trung ương Đảng;
b) Khu vực làm việc của Chủ tịch nước;
c) Khu vực làm việc của Quốc hội;
d) Khu vực làm việc của Chính phủ;
đ) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
(4) Sự kiện đặc biệt quan trọng bao gồm:
a) Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng;
b) Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
c) Kỳ họp của Quốc hội;
d) Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ theo quy định của pháp luật.
Điều kiện, tiêu chuẩn tuyển người vào lực lượng cảnh vệ
Các điều kiện, tiêu chuẩn này được quy định ở Điều 17 Luật Cảnh vệ, bao gồm các yêu cầu:
- Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong lực lượng Cảnh vệ.
- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với tính chất đặc thù công tác cảnh vệ.
Ngoài ra, Bộ trưởng BCA và Bộ trưởng BQP quy định cụ thể tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ.