Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 494/TB-VPCP ngày 29/11/2023 kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.
Tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch kể cả khi xảy ra tình huống xấu.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn quốc. Nước ta đã "đi sau về trước" trong công tác phòng, chống dịch; trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Từ một nước tiếp cận sau về vắc xin, có tỉ lệ tiêm chủng thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia trên thế giới và là quốc gia duy nhất trong nhóm có dân số đông khoảng 100 triệu người đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất. Kết quả phòng, chống dịch tạo điều kiện quan trọng cho phục hồi và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo đó, rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:
Thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 để lại những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu:
(1) Công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, doanh nghiệp; phát huy đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn dân tộc; nâng cao tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế nhưng tự lực, tự cường, tự chủ vẫn là yếu tố quyết định;
(2) Phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, những thời khắc khó khăn; sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả;
(3) Năng lực của hệ thống y tế, trong đó y tế dự phòng, y tế cơ sở luôn ở mức cao hơn bình thường, khi chưa có dịch bệnh; triển khai phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở;
(4) Quan tâm đến an sinh xã hội, nhanh chóng khắc phục hậu quả của đại dịch gây ra;
(5) Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các lực lượng tham gia phòng, chống dịch;
(6) Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng, trúng đối tượng.
Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, các bộ ngành, địa phương:
(1) Tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với dịch COVID-19, và các dịch bệnh khác có thể xảy ra; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch kể cả khi xảy ra tình huống xấu;
(2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp, nhất là về mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế; triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh;
(3) Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những đối tượng chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi, không để các cháu bị tổn thương về tinh thần và thiếu thốn về vật chất;
(4) Các bộ ngành, địa phương theo thẩm quyền xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/ 2024 và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn hiệu lực; thông tin, hướng dẫn, thực hiện các văn bản theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B;
(5) Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19;
(6) Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;
(7) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là đối với lực lượng tuyến đầu;
(8) Quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị tiến tới làm chủ công nghiệp dược, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là khi quy mô dân số đã lên tới hơn 100 triệu người và già hóa nhanh chóng.
Theo Chính phủ