Phạt nguội là hình thức xử phạt người tham gia giao thông có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, được ghi thu hình ảnh, video thông qua hệ thống camera của tổ chức, cá nhân được lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, một số ngã tư là trọng điểm giao thông và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc các hình ảnh, video do lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi hình vi phạm mà không dừng phương tiện, xử lý ngay được, sau đó truyền những thông tin này về trung tâm xử lý.
Thời gian thông báo phạt nguội
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện giao thông; lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc vi phạm.
Tra cứu phạt nguội như thế nào?
Người dân truy cập Cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông tại địa chỉ chỉ
https://www.csgt.vn/ vào mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh hoặc đường link:
http://www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html. Tại đây người dân cần điền chính xác thông tin biển số xe/loại phương tiện/ mã bảo mật vào ô bên dưới; khi nhập mã bảo mật người dân phải điền chính xác chữ, số và ký tự để có kết quả đúng nhất.
Trong trường hợp phương tiện giao thông không có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Cục CSGT là “Không tìm thấy kết quả!”. Trường hợp phương tiện đó có vi phạm thì hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên Cổng thông tin Cục CSGT số lần vi phạm của phương tiện (thời gian, địa điểm vi phạm).
Quy trình phạt nguội hiện tại của phòng Cảnh sát giao thông
Bước 1: CSGT phát hiện các xe vi phạm qua hệ thống camera giám sát tự động và các trường hợp vi phạm khác mà lực lượng Cảnh sát giao thông ghi hình truyền dẫn về trung tâm giám sát.
Bước 2: Sau khi trích xuất các trường hợp vi phạm, CSGT sẽ xác minh, tra cứu thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện giao thông; CSGT gửi thông báo vi phạm bằng chuyển phát nhanh (qua bưu điện hoặc Viettel post) đến chủ phương tiện và mời chủ phương tiện đến trụ sở Cảnh sát giao thông nơi gửi thông báo để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bước 3: CSGT phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm. Cập nhật kết quả xử lý vi phạm, kết thúc hồ sơ.
*Lưu ý: Đối với những trường hợp vi phạm chưa nhận được thông báo của Viettel post hoặc không chấp hành
- Đối với những trường hợp sau 15 ngày gửi thông báo vi phạm lần 1 mà chủ phương tiện chưa đến, CSGT in phiếu báo lần 2 gửi đến Công an phường, xã, thị trấn nơi chủ phương tiện thường trú. Công an địa phương sẽ chuyển thông báo vi phạm đến chủ xe và mời chủ xe đến trụ sở CSGT đã ra thông báo vi phạm để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Đối với những trường hợp sau 2 lần gửi thông báo vi phạm mà chủ phương tiện vẫn chưa đến cơ quan đã ra thông báo để giải quyết vụ việc vi phạm. Theo quy định tại Khoản 12, Điều 80 Nghị định 100/NĐ-CP ngày 29/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nếu chủ phương tiện không đến phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm theo thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền (phòng cảnh sát giao thông), thì phòng CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện trên Chương trình quản lý kiểm định.
Nộp phạt nguội ở đâu?
Các bạn có thể nộp phạt nguội qua các cách sau:
- Nộp phạt trực tiếp tại Kho Bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
- Nộp phạt thông qua dịch vụ Bưu chính công ích (ví dụ như Bưu điện) vào Kho Bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
Lưu ý các trường hợp lừa đảo
Như thời gian gần đây việc triển khai phạt nguội đang bắt đầu được thực hiện ở một số tỉnh thành và có nhiều trường hợp đã nhận được thông báo phạt nguội về nhà. Lơi dụng thời điểm này nhiều đối tượng lừa đảo đã thực hiện nhiều phương thức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, như một trong phương pháp được báo Lao Động đề cập dưới đây:
Sáng ngày 27.10 tại Bình Thuận, phóng viên báo Lao Động nhận được cuộc gọi từ số +186653363473. Khi bấm nghe điện thoại thì nhận được trả lời tự động từ tổng đài (hệ thống IVR) thông báo “đây là Cục CSGT, bạn có 1 biên lai cần nộp phạt” và hướng dẫn bấm phím 9 để được hỗ trợ.
Sau khi nhấn phím 9, phóng viên được gặp 1 người phụ nữ xưng là “Cục quản lý giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, tra cứu thông tin thì không có cục nào tên này. Sau đó, phóng viên yêu cầu người tự xưng là “cục” cung cấp biển số xe vi phạm thì người này yêu cầu cung cấp thông tin họ tên, năm sinh, số CMND để tra cứu hệ thống.
Phóng viên đã cung cấp ngẫu nhiên họ tên, năm sinh (không phải tên mình) và đọc 1 dãy số CMND bất kỳ để người này thực hiện cái gọi là “tra cứu”. Điều lạ là ít giây sau khi “tra cứu”, người này tiếp tục trò chuyện và nói đúng thông tin về quê quán, số điện thoại của "người bị phạt".
Người này tiếp tục khẳng định có 1 biên lai phạt nguội và yêu cầu ra kho bạc nhà nước đóng phạt. Tuy nhiên, khi hỏi “Kho bạc nhà nước là nơi ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ?” thì người này liền dập máy.
Thời gian qua, nhiều người phản ánh bị các số lạ gọi, xưng là tổng đài CSGT, thông báo có phạt nguội, yêu cầu “người vi phạm” chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng hoặc cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng.
Ví thế mọi người cần lưu ý, không chỉ qua đầu số trên mà hễ có các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn nghi ngờ thì cần kiểm tra xác minh lại với cơ quan có thẩm quyền như phòng CSGT để tránh bị mất tiền, thông tin.
Tổng hợp
Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"