Cảnh báo: Giả danh điện lực lừa cài đặt ứng dụng hoàn tiền điện để chiếm đoạt tài sản

Chủ đề   RSS   
  • #604450 02/08/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Cảnh báo: Giả danh điện lực lừa cài đặt ứng dụng hoàn tiền điện để chiếm đoạt tài sản

    Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có lên đến hàng trăm các trường hợp khách hàng TP. Hồ Chí Minh phản ánh về các cuộc gọi lừa đảo thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện, ngưng hợp đồng mua bán điện nếu không thanh toán ngay hoặc thậm chí giả danh hoàn tiền để lừa tiền.

    Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều khách hàng về việc các đối tượng lạ gọi điện thoại, tự xưng là nhân viên điện lực thông báo sẽ hoàn 10-15% tiền điện cho khách hàng. 

    Theo đó, các đối tượng đề nghị khách hàng kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cài đặt ứng dụng nhận tiền, hoặc đề nghị khách hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng để hoàn tiền.

    Đa số khách hàng đã cảnh giác, ghi lại số điện thoại và kiểm tra lại sự việc thông qua tổng đài 1900-545454 (Trung tâm Chăm sóc Khách hàng EVNHCMC), nhờ đó đã không bị kẻ xấu lừa gạt.

    Tuy nhiên, một trường hợp làm theo dẫn dụ của đối tượng lạ và bị mất tiền.

    Điện lực TP.HCM khẳng định hiện tượng nói trên đều là giả danh ngành điện. Không có việc ngành điện tự tính toán và thông báo hoàn 10-15% tiền điện mà chưa có sự thống nhất của khách hàng.

    Đơn vị cũng không ứng hoàn tiền như các trường hợp nêu trên. Dấu hiệu nhận biết là các cuộc gọi đến không có chữ EVNHCMC khi hiện số cuộc gọi đến, số nước ngoài, không nói đúng tên đơn vị điện lực quản lý hoặc không đúng địa chỉ sử dụng điện của chính khách hàng.

    Hiện nay, khi có nhu cầu liên hệ với khách hàng, nhân viên điện lực TP.HCM đều dùng số điện thoại định danh hiển thị "EVNHCMC". Đối với các nhà mạng khác sẽ hiển thị số điện thoại 028.22.201.155.

    Nhân viên điện lực gọi điện đều chủ động giới thiệu họ tên, mã nhân viên và đơn vị công tác.

    Điện lực TP.HCM khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân trong trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh điện lực.

    Đặc biệt, trong mọi trường hợp, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, không thanh toán tiền điện cho người lạ. Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

    Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay qua tổng đài 1900.54.54.54 hoặc cơ quan công an các địa phương.

    Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Truy cứu TNHS tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015  được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

    Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    - Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    - Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

    - Công nhiên chiếm đoạt tài sản;

    - Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

    - Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;

    - Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

    Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng.

    Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

    - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

    - Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

    Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

    - Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

     
    1032 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (11/09/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận