Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?

Chủ đề   RSS   
  • #616082 06/09/2024

    lamint

    Sơ sinh

    Vietnam --> Lâm Đồng
    Tham gia:05/12/2023
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 455
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?

    Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Như vậy quyết định xử phạt hành chính do cá nhân ban hành, vì vậy việc xác minh tình tiết có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành hình phạt.

    Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

    Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính và phải tuân theo nguyên tắc sau:

     - Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

    - Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

    - Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

    - Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

    - Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

    - Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

    - Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

    - Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

    - Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Cần xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không?

    Căn cứ tại Điều 59 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:

    - Có hay không có vi phạm hành chính;

    - Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;

    - Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

    - Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;

    - Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

    + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

    + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

    + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

    + Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

    + Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính;

    + Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;

    + Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

    + Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;

    + Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm.

    - Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

    Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

    Lưu ý: Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.

    Như vậy, không phải trong mọi trường hợp cần phải xác minh tình tiết trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chỉ trong các trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền xử phạt mới xác minh các tình tiết trên để ra quyết định xử phạt.

     
    117 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận