Còn đang khá sốc khi vừa qua share nội dung tìm con thất lạc ở quận Tân Phú thì chớp nhoáng sau đó là việc đính chính “Đó chỉ là hiểu lầm?”. Tôi bây giờ cứ đinh ninh liệu có nên quan tâm đến những vụ tương tự về sau?
Hẳn không thể mất bình tĩnh đến mức người cha này lại không thể suy luận được đến tình huống vợ bồng con đi. Theo nội dung đính chính thì hai người xảy ra mâu thuẫn và sau đó cô vợ dẫn con đi mà người chồng không hay biết, liền sau đó y đã sử dụng mạng xã hội nhờ sự trợ giúp của cộng đồng mạng. Đến hiện tại, tôi chắc chắn vẫn còn nhiều người không khỏi bàng hoàng, khi quá đơn giản cho một cú sốc tinh thần chỉ nhận lại những lời cải chính, cảm ơn và “xong” cho một câu chuyện.
Về vụ việc này, với ý nghĩ chủ quan, tôi cho rằng ông chồng biết chắc là vợ mang con đi mà cố tình nói trên mạng là mất tích. Bởi lẽ, theo logic thì khi con gái mất tích, ông này sẽ phải liên lạc với người thân trong gia đình xem có đưa bé đi đâu chơi hay không. Chứ không thể nào mà con vừa mất tích là lên mạng nói con bị bắt cóc được.
Tôi cho rằng người vợ đã mang con đi và ông này thì không liên hệ với vợ được, cũng có thể vợ không cho gặp con nên cố ý dùng mạng Internet làm áp lực, dùng cộng đồng làm công cụ ép người vợ mang con ra.
Đăng thông tin là quyền của cá nhân, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến tâm lý đến cộng đồng quá lớn khi lượng tương tác lan truyền và phát tán trên mạng xã hội lên đến con số 12.000 lượt chia sẻ, đủ để thấy tốc độ ảnh hưởng của vấn đề đến cộng đồng lớn đến mức nào. Không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người đọc mà còn gây thiệt hại cả về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến thông tin thất thiệt.
Bởi pháp luật đã quy định rõ những trách nhiệm mà người thực hiệm hành vi phải gánh chịu khi lợi dụng mạng xã hội để đưa tin đến cộng đồng một cách “vô tội vạ”.
- Trách nhiệm hành chính: Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
- Trách nhiệm Dân sự: Theo Điều 11 Bộ luật dân sự 2015, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
- Trách nhiệm Hình sự: hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Việc đăng thông tin có nội dung ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng là một hành vi vi phạm pháp luật, phải làm rõ trách nhiệm và mạnh tay hơn của cơ quan có thẩm quyền với hành vi của cá nhân trong sự việc trên để tránh lập lại những sự việc tương tự.
Cập nhật bởi TuyenBig ngày 18/04/2018 04:53:33 CH
Cập nhật bởi TuyenBig ngày 18/04/2018 04:30:36 CH