TÒA ÁN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Bản án số: 664/2014/DS-ST
Ngày : 10/6/2014.
V/v Tranh chấp hợp đồng tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
|
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Đình
Các Hội thẩm nhân dân:
1. Bà Lê Thị Rở.
2. Ông Dương Văn Tám
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Gia Nam.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa: Bà Phạm Thị Út - Kiểm sắt viên.
Ngày 03 và ngày 10 tháng 6 năm 2014 tại phòng xử án của Tòa án nhân dân thành phố Hồ chí minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 1855/2002/TLDS-ST ngày 01 tháng 10 năm 2002 "Tranh chấp hợp đồng tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất ở".
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1683/2014/QĐST-DS ngày 04 tháng 6 nma8 2014 giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1/ Ông Lê Văn Hà , sinh năm 1950
2. Bà Nguyễn Ngọc Tuyền, sinh năm 1952.
Cùng địa chỉ: 47/5 Hai Bà Trưng, Phường 6, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Đại diện ủy quyền của bà Tuyền: Ông Lê Văn Hà
có Luật sư Hoàng Cao Sang - Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh.
Bị đơn: Nguyễn Thanh Liêm (chết năm 2008)
Những người thừa kế tham gia tố tụng gồm:
1/ Ông Nguyễn Thanh Lạc
Địa chỉ: Xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
2/ Bà Nguyễn Thị Như Thu, sinh năm 1956
Địa chỉ: Hoa Kỳ.
Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thành Liên Châu.
Địa chỉ: 44 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
3/ Ông Nguyễn Thanh Lâm, sinh năm 1958
Địa chỉ: Thôn Hữu Hòa, xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thanh Lạc và ông Nguyễn Thành Đạt.
4/ Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1960
Địa chỉ: Xóm 2 thôn An Hòa, xã Lộc An, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
5/ Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, sinh năm 1962
Địa chỉ: 195 Ấp Điền Thạnh, xã Long Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Đại diện ủy quyền: Ông Nguyễn Thành Đạt
6/ Ông Nguyễn Thanh Điền, sinh năm 1965
Địa chỉ: 2/9 Trần Quý Cáp, Phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
7/Ông Nguyễn Thành Đạt sinh năm: 1967.
Địa chỉ: 44 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh, sinh năm 1974
Địa chỉ: 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ liên lạc: 173/3 An Bình, Phường 7, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Cao Ngọc Sơn, sinh năm: 1989.
Địa chỉ: 210/1A Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Có Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Công ty Luật THNN Anphana thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh.
2/ Ông Nguyễn Thanh Nhung
3/ Bà Nguyễn Thanh Minh Nhã
Cùng địa chỉ: 1706 Northule street Aparment 1015 Arlengto, VA 22201 USA.
4/ Bà Nguyễn Thị Tùng
Địa chỉ: 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
5/ Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương
Địa chỉ: 68/9 Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
6/ Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Địa chỉ: 77/1 đường 3/2, Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Bà Tùng, bà Sương, bà Ánh cùng ủy quyền cho bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh.
7/ Bà Nguyễn Thanh Thu Nguyệt, sinh năm 1974
Địa chỉ: 341 đường Ấp Chiến Lược, khu Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
8/ Nguyễn Thanh Ngọc Lan, sinh năm 1979
Địa chỉ: 52 Thôn II khu Đông Anh II, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
9/ Bà Nguyễn Thanh Thu Phượng, sinh năm 1976
Địa chỉ: 08 Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
10/ Ông Nguyễn Minh Huy, sinh năm 1971
Địa chỉ: 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
11/ Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng
Địa chỉ: số 44 Hồ Tùng Mậu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Đại diện ủy quyền: Ông Phạm Anh Chiến
12/ Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Địa chỉ: 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đại diện ủy quyền: Ông Trần Anh Văn - Ủy quyền lại cho ông Phạm Anh Chiến.
13/ Lê Chính Khương, sinh năm 1983
14/ Nguyễn Thùy Hương, sinh năm 1985
15/ Lê Chí Kha, sinh năm 1975
16/ Lê Chí Khang, sinh năm 1979
17/ Vũ Thị Minh Quyên, sinh năm 1979
Cùng địa chỉ: 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
18/ Ông Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1981
Địa chỉ: 118 Bạch Đằng, thị trấn Nam Bang, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
19/ Công ty TNHH xây dựng Hoàng Lê Phát
Địa chỉ: 1H Bà Triệu, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ văn phòng công ty: Địa chỉ 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6 , Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Chí Kha
20/ Trẻ Lê Nguyễn Minh Khôi, sinh năm 2006
Địa chỉ: 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh.
NHẬN THẤY:
Trong đơn khởi kiện ngày 21 tháng 02 năm 2002, nguyên đơn là ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền yêu cầu được công nhận "Văn tự ủy quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và Văn tự ủy quyền nhà ngày 30/11/1987 về căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 7 (sau đó đổi là Phường 13) Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh (nay là số 36/14 Kinh Dương Vương, phương 13, Quận 6) của cụ Nguyễn Thanh Liêm ủy quyền là hợp pháp để ông bà đi làm quyền sở hữu nhà do ông bà đứng tên. vì đã được cụ Nguyễn Thanh Liêm là cha vợ của ông Lê Văn Hà tặng cho và Ủy quyền thừa kế nhà năm 1987 có Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác nhận và ra Ủy ban nhân dân Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận. Ông bà đã đi làm thủ tục năm 1987 để chuyển quyền sở hữu tên cho ông bà nhưng đến Sở nhà đất (cũ) này là Sở Tài nguyên và Môi trường làm thị chưa có giấy của Cụ Tuyết xác nhận nên chưa làm được.
Nguồn gốc căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh là do cụ Nguyễn Thanh Liêm xây dựng từ năm 1964 (Theo giấy phép xây dựng do Đô thành Sài Gòn cấp ngày 26/11/1964). Cụ Nguyễn Thanh Liêm và cụ Bùi Thị Bạch Tuyết sinh được 9 người con và bà Nguyễn Ngọc Tuyền, ông Nguyễn Thanh Lạc, Nguyễn Thanh An, bà Nguyễn Thị Như Thu, ông Nguyễn Thanh Lâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Nguyễn Thị Thu Tâm, ông Nguyễn Thanh Điền, ông Nguyễn Thành Đạt. Năm 1974, giữa cụ Nguyễn Thanh Liêm và cụ Bùi Thị Bạch Tuyết đã có tờ cam kết ly thân với nhau, hai bên cam kết không có tài sản chung.
Năm 1975, cụ Nguyễn Thanh Liêm và cụ Bùi Thị Bạch Tuyết ly hôn, về tài sản chung không có.
Năm 1984, ông Lê Văn Hà là con rể và bà Nguyễn Ngọc Tuyền là con ruột có cho cụ Nguyễn Thanh Liêm mượn 4 lượng vàng 24K để chuộc lại nhà thờ và vườn trái cây tại xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hai bên không có làm giấy tờ mượn vàng.
Ngày 02/9/1987, cụ Nguyễn Thanh Liêm lập văn tự chuyển quyền sở hữu nhà cho con, bằng lòng cho đứt căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cho ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền được trọn quyền xin làm chủ vĩnh viễn căn nhà của cụ, có sự chứng kiến của em trai và em gái cụ là cụ Nguyễn Thanh Nguyên, và cụ Nguyễn Thị Nhã có xác nhận của chính quyền xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ký tên đóng dấu.
Ngày 08/6/1989, bà Nguyễn Ngọc Tuyền có tờ trình gửi đến Sở nhà đất thành phố Hồ Chí Minh về việc bà được cha bà ủy quyền thừa kế căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh có xác nhận của chính quyền Phường 6, Thành phố Đà Lạt.
Ngày 18/10/1989, cụ Bùi Thị Bạch Tuyết có làm giấy giao nhà cho con là Nguyễn Ngọc Tuyền và Lê Văn Hà theo văn tự chuyển quyền sở hữu vĩnh viễn căn nhà ngày 02/9/1987. Cụ Nguyễn Thanh Liêm đã đem giấy tờ nhà đến Sở nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh để làm chủ quyền nhà qua tên ông Hà bà Tuyền nhưng không được Sở nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận.
Ngày 01/11/1987, bà Nguyễn Ngọc Tuyền có "Đơn xin nhận Ủy quyền nhà" có nội dung nhận quyền thừa kế nhà do Ủy ban nhân dân Phường 6, Thành phố Đà Lạt xác nhận chữ ký của bà Tuyền
Ngày 30/11/1087, ông Nguyễn Thanh Liêm có "Văn tự ủy quyền nhà" có nội dung ủy quyền thừa kế cho con được Ủy ban nhân dân Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác nhận chữ ký của ông Liêm.
Năm 1991, Ông Lê Văn Hà thế chấp toàn bộ giấy tờ "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987, "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 của căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để vay vốn ngân hàng cho Hợp tác xã tín dụng Hòa Bình lấy tiền chi trả cho dân do huy động vốn năm 1985 không có khả năng chi trả. Do ông Hà đang làm tín dụng thì bị bắt đi tù do việc không trả tiền cho Ngân Hàng nên chưa làm được giấy tờ chủ quyền nhà qua tên ông và bà Tuyền. Nay ông yêu cầu được công nhận giấy "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 về nhà 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh là hợp lệ để ông đi làm chủ quyền nhà.
Ông Hà và Bà Tuyền cho là chi cụ Nguyễn Thanh Liêm lập giấy "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" là có lý do. Năm 1984, cụ Liêm có nhận của vợ chồng ông 4 lượng vàng 24K để chuộc lại nhà thờ và đất vườn ở xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Do vậy, cụ Liêm mới làm giấy chuyển quyền sở hữu nhà cho vợ chồng ông bà. Do ông chưa làm xong giấy tờ nhà qua tên ông bà, giấy tờ mới làm ra xã Hữu Đạo và Phường 13, Quận 6 thị ông đưa đi thế chấp cho Ngân hàng để lấy tiền chi trả cho dân, việc thế chấp cụ Liêm có biết.
Nay ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền yêu cầu được công nhận "Văn tự Chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự Ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 của cụ Liêm cho ông bà là hợp lệ để ông bà đi làm chủ quyền sở hữu nhà ông bà đứng tên.
Cụ Nguyễn Thanh Liêm khi còn sống có lời khai: Căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh là do cụ đứng tên giấy phép xây dựng nhà từ năm 1964, nhà chưa có giấy chủ quyền nhà việc cụ lập "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" là để ông Hà đứng ra kinh doanh và có chổ ở cho con ông Hà bà Tuyền để đi học, nhà của dòng họ chung để thờ tự, nhà do ông đứng tên trong giấy phép xây dựng, đất của ông Lý Văn Lộc bán lại cho mẹ ông năm 1963, nhà do ông đứng ra xây cất, ông không cho vợ chồng ông Hà nhà mà để làm nhà thờ tự chung. Cụ Liêm chết năm 2008, năm 1997 cụ có lập tờ di chúc để lại nhà và đất cho cháu là Nguyễn Thanh Thuần Trinh con của ông Nguyễn Thanh Nguyên sử dụng để làm nhà thờ tự. năm 2004, cụ Liêm lập tờ di chúc phụ để lại nhà cho con cụ là Nguyễn Thành Đạt và cháu là Nguyễn Thanh Thuần Trinh được sử dụng.
Cụ Bùi Thị Bạch Tuyết đã chết năm 2011, cụ cho là căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh là tài sản chung của cụ và cụ Liêm, cụ có lời khai nếu Tòa án không công nhận hợp đồng tặng cho nhà cho hai con cụ thì cụ sẽ lấy nửa phần tài sản của cụ để cho lại hai con của cụ.
Các con của cụ Liêm và cụ Tuyết là Nguyễn Thanh Lạc, Nguyễn Thanh Điền, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị Tòa án xét xử theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thanh An đã chết năm các con của ông Nguyễn Thanh An yêu cầu được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người đại diện cho bà Sương, bà Ánh cho là năm 1997 cụ Liêm ủy quyền cho bà được thừa kế căn nhà này để làm nhà thờ tự cho anh em dòng họ, nay đề nghị Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bà Châu đại diện cho bà Thu đề nghị bác yêu cầu của ông Hà bà Tuyền xin được làm chủ sở hữu căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Đạt cũng đề nghị bác yêu cầu của ông Hà và bà Tuyền xin được làm chủ sở hữu căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thanh Nhung và bà Nguyễn Thị Nhã đã được Tòa án ủy thác tư pháp hợp lệ theo quy định của Thông tư số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm 2011 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nhưng ông Nhung bà Nhã không có ý kiến phản hồi cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án xử theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thi đang thuê phần diện tích nhà để bán cà phê có đơn xin vắng mặt.
Con ông Hà bà Tuyền là Lê Chí Kha, Lê Chí Khang vào năm 2011 đã cùng ông Hà bà Tuyền vào ở một diện tích tầng trệt căn nhà và ở đây từ đó cho đến nay, nay đề nghị công nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 là hợp lệ để ông bà đi làm chủ quyền sở hữu nhà đứng tên ông bà.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hà và bà Tuyền đề nghị chấp nhận yêu cầu của ông Hà và bà Tuyền. cụ Liêm khi làm "Văn tự chuyển quyền sở hữu nhà cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 lúc đó giấy tờ nhà của cụ Liêm đã hợp lệ về căn nhà như Giấy phép xây dựng do Đô trưởng Sài Gòn cấp. Tại thời điểm đó là chủ sở hữu nhà mặt khác cụ Liêm cũng như các con của cụ đều thừa nhận là quyền sở hữu nhà là của cụ Liêm nên "Văn tự chuyển quyền sở hữu nhà cho con" và "Văn tự ủy quyền nhà" của cụ Liêm cũng là hợp lệ. Nên Luật sư đề nghị công nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu nhà con con" và "Văn tự ủy quyền nhà" là hợp lệ để ông Hà bà Tuyền đi làm giấy tờ quyền sở hữu căn nhà ông bà đứng tên. Xét thấy lời đề nghị của luật sư nêu ra không có căn cứ nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh cho là "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" lập ngày 02/9/1987 "Văn tự ủy quyền nhà" lập ngày 30/11/1987 của cụ Liêm lập ủy quyền thừa kế nhà cho con là không hợp lệ đề nghị hủy các Văn tự trên và không công nhận các văn tự trên là hợp lệ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến Thẩm phán và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý hồ sơ cho đến khi xét xử vụ kiện đã tiến hành thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY:
Ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền yêu cầu được công nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" có nội dung tặng cho căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 7 (nay là Phường 13), Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cho ông bà vì đã được cụ Nguyễn Thanh Liêm là cha vợ của ông Lê Văn Hà chuyển quyền sở hữu tặng cho nhà ngày 02/9/1987 có Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác nhận, và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 được Ủy ban nhân dân phường 13, quận 6 và xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác nhận chữ ký của cụ Liêm. Vụ kiện có ông Nguyễn Thành Nhung và bà Nguyễn Thị Nhã người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do vậy vụ án được giải quyết theo quy định của Nghị quyết 1037/UBTVQH ngày 1/7/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội có người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Cụ Nguyễn Thanh Nhung và cụ Nguyễn Thị Nhã có lời khai là căn nhà này là của mẹ các cụ mua đất, cụ Nhung bỏ tiền ra để cụ Liêm cất nhà, cụ Nhã ở căn nhà này có bỏ tiền ra 100.000.000 đồng để sửa chữa nhà. Do các cụ không có đơn yêu cầu độc lập và nộp tiền tạm ứng án phí Tòa án cũng đã tống đạt hợp lệ cho cụ Nhung cụ Nhã nhưng các đương sự không có ý kiến phản hồi đến Tòa án, nên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vắng mặt các đương sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự.
Xét: "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 do cụ Nguyễn Thanh Liêm người cho ký tên cho bà Nguyễn Ngọc Tuyền là con ruột và ông Lê Văn Hà con rể về căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh có nội dung "Tôi có đứng tên làm chủ căn nhà 578/12 đường Hùng Vương, Phường 7, Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh, nhà ngang 4,5m dài 16m diện tích 255m2 gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lầu, sàn gỗ phần nhà phụ 21 m2".
"Nay tôi bằng lòng cho đứt căn nhà trên cho con gái tôi là Nguyễn Ngọc Tuyền sinh ngày 21/9/1952 và chồng là Lê Văn Hà sinh ngày 4/5/1950. Kể từ nay Nguyễn Ngọc Tuyền và Lê Văn Hà được trọn quyền xin làm chủ vĩnh viễn căn nhà nêu trên".
Xét thấy: Về giấy tờ chủ quyền nhà cụ Nguyễn Thanh Liêm chưa có giấy tờ hợp pháp về chủ quyền sở hữu căn nhà, cụ Liêm lúc đó chỉ có duy nhất là Giấy phép xây dựng do Đô trưởng Sài Gòn cấp ngày 26/11/1964 để được xây dựng căn nhà ngoài giấy tờ này ra cụ Liêm không còn một loại giấy tờ nào khác, tại thời điểm làm "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/7/1987 cụ Liêm chưa có một giấy tờ nào xác định cụ là chủ sở hữu căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Để có được giấy tờ nhà hợp pháp do cụ Liêm đứng tên, sau khi cụ Liêm xây dựng xong căn nhà cụ tại thời điểm đó cụ phải đi làm hoàn công và nộp lệ phí trước bạ khi xây dựng xong nhà (thời điểm chế độ cũ) thì mới xác định cụ là người sở hữu hợp pháp căn nhà của cụ, hoặc có giấy tờ nhà do cụ đứng tên trước khi làm "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" về căn nhà mà cụ tặng cho, ủy quyền thừa kế, cụ chưa có giấy tờ sở hữu về căn nhà, cụ chỉ có giấy phép xây dựng do Đô trưởng Sài gòn cấp đây mới chỉ là điều kiện để chứng minh cụ đi làm chủ quyền sở hữu nhà.
Như vậy, về mặt hình thức giấy tờ sở hữu nhà của cụ Liêm chưa đầy đủ, chưa hợp lệ khi làm "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con". Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác nhận vào "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" nhà là hợp lệ. Việc Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang xác nhận "Tài sản của ông Nguyễn Thanh Liêm giao cho người con gái là Nguyễn Ngọc Tuyền có sự đồng ý của gia đình và thông qua chính quyền tại UBND xã chúng tôi đồng ý với cách xử lý nêu trên" xét thấy việc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo như trên là chưa đúng thẩm quyền vì nhà và đất ở Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, mà Chủ tịch xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang xác nhận là không hợp lý về thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo không phải là cơ quan thay mặt chính quyền Phường 7, Quận 6 (Nay là phường 13, Quận 6) quản lý căn nhà của cụ Liêm tại Thành phố Hồ Chí Minh, và không thể thay mặt cho Ủy ban nhân dân Phường 7 tại thời điểm đó để xác nhận vào giấy này. Nếu Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo có xác nhận vào "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" chỉ được xác nhận ông Liêm cư trú tại địa phương và chữ ký của cụ Liêm thì mới đúng, Ủy ban nhân dân xã Hữu Đạo đã xác nhận việc cho tài sản ở Thành phố Hồ Chí Minh quản lý đem xuống Tiền Giang để xác nhận trong khi đó xã Hữu Đạo, tỉnh Tiền Giang không có quản lý tài sản này, về mặt hành chính là không đúng quy định.
Đơn xin nhận ủy quyền nhà ngày 01/11/1987 do Chủ tịch Phường 13, Quận 6, xác nhận cho bà Tuyền vào ngày 02/11/1987 là đơn nhận ủy quyền thừa kế việc xác nhận này cũng không đúng vì lúc này cụ Liêm vẫn còn sống không thể ủy quyền thừa kế tài sản của cụ cho con cụ khi cụ còn sống được nên giấy này không có ý nghĩa về mặt pháp luật.
Cụ Liêm chưa có Giấy tờ nhà chủ quyền mà lập "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 là không hợp lệ.
"Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 có nội dung cụ Liêm do sức khỏe yếu nên ủy quyền thừa kế cho con căn nhà 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Xét thấy văn tự này cũng không hợp lệ vì cụ Liêm đang còn sống lại ủy quyền thừa kế nhà của cụ cho con, cụ chỉ ủy quyền thừa kế tài sản của cụ được hưởng của người khác cho các con của cụ thì mới hợp lý, đúng ra cụ phải làm bản di chúc để lại tài sản của cho con Nguyễn Thanh Tuyền và Lê Văn Hà được thừa kế tài sản là căn nhà của cụ khi cụ chết mới đúng nên "Văn tự Ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 cũng vô nghĩa không hợp lệ.
"Văn tự chuyển ủy quyền sở hữu cho con" do cụ Liêm ký ngày 02/9/1987 chỉ mới được đưa ra phường xã ký xác nhận, như trên đã phân tích là không hợp lệ, ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền chưa đi làm được chủ quyền sở hữu sang tên cho ông bà. Theo quy định của pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1990 tương ứng với các Điều 461 Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 465 Bộ luật dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2005 thì "Văn tự chuyển quyền nhà sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Giấy ủy quyền thừa kế nhà" ngày 30/11/1987 là không hợp lệ, không có hiệu lực pháp luật, nay ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền đề nghị công nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" và "Văn tự ủy quyền nhà" là hợp lệ để ông bà đi làm quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cho ông bà là không có căn cứ nên không được hội đồng xét xử chấp nhận.
Đối với cụ Tuyết có ủy quyền cho ông Lê Văn Hà tham gia tố tụng tại phiên tòa nhưng đến năm 2011 cụ Tuyết đã chết nên ủy quyền cũng chấm dứt. Nhưng cụ Tuyết có lời khai ngày 25/3/2002, ngày 12/8/2002 là căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6 là của ông Nguyễn Thanh Nguyên, bà xác nhận lúc hai vợ chồng bà chung sống không có tài sản gì hết.
Theo Tờ cam kết ngày 08/6/1974 cụ Tuyết và cụ Liêm cam kết "Không có vấn đề phân chia tài sản vì khối tài sản cộng đồng không có gì. Tại trát truyền rao ngày 6/3/1975 xử về việc ly hôn giữa cụ Tuyết và cụ Liêm thì truyền "Giải tán chế độ phu phụ tài sản, như vậy tài sản không có giải quyết. Căn cứ vào tờ cam kết ngày 08/6/1974 thì cụ Tuyết và cụ Liêm đã "Ly thân từ nhiều năm nay". Như vậy, cụ Tuyết không có tài sản chung gì với cụ Liêm. Do vậy tờ trình ngày 08/6/1989, giấy giao nhà ngày 18/10/1989 cũng không có giá trị vì cụ Tuyết không có tài sản chung với cụ Liêm.
Theo Công văn số 56/QLDT ngày 28/4/2003 của Ủy ban nhân dân Quận 6 và công văn số 2161/DCNĐ-CCQNĐ ngày 27/3/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - Sở Địa chính - Nhà đất thì xác định việc cụ Nguyễn Thanh Liêm lập "Văn tự chuyển quyền sở hữu tài sản cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 là chưa hợp lệ, vì chưa hoàn tất thủ tục theo quy định tại Quyết định số 244/QĐ-UB ngày 28/10/1981 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Hướng dẫn số 2029/7 ngày 31/12/1981 của Sở quản lý Nhà Đất và công trình công cộng (Văn bản quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà tại thời điểm đó).
Tại Điểm d, Mục 2, Phần II của Bảng hướng dẫn số 2029/7 ngày 31/12/1981 của Sở quản lý nhà đất và Công trình công cộng có quy định "Nói chung toàn bộ nhà cửa không phân biệt hạng, cấp nhà, nếu có diện tích sử dụng chính (Theo quy định của Bộ xây dựng) trên 200m2. Các trường hợp này đều phải tiến hành thủ tục qua phường xã chứng nhận, Ban xây dựng nhà đất- công trình công cộng quận huyện thẩm tra kỹ đề xuất cụ thể và được UBND quận huyện cho ý kiến đề xuất cụ thể sau đó Sở Quản lý Nhà đất và công trình công cộng mới thụ lý giải quyết.
Như quy định trên thì ông Hà bà Tuyền chỉ mới có xác nhận của chính quyền xã phường, Ban XDND-CTCC quận huyện (chưa đúng) chưa có thẩm tra kỹ đề xuất cụ thể và được UBND quận, huyện cho ý kiến đề xuất cụ thể cho Sở quản lý nhà đất và Công trình công cộng thành phố thụ lý giải quyết.
Như trên đã phân tích "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 giữa cụ Nguyễn Thanh Liêm với ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền là không hợp lệ. Tương ứng với Điều 461 của Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 465 Bộ luật dân sự năm 2005 thì các Văn tự trên không hợp pháp của ai người đó lấy về, ông Hà bà Tuyền và các con ông Hà bà Tuyền phải trả lại diện tích nhà đất đã sử dụng đang ở cho các thừa kế của cụ Nguyễn Thanh Liêm ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
Do ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền chỉ tranh chấp về "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 về căn nhà 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6 với cụ Liêm và xin được làm chủ quyền căn nhà. Nay cụ Liêm đã chết thì các con của cụ là người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng, các con của cụ Liêm cũng không có tranh chấp thừa kế về tài sản nên không đạt ra để giải quyết trong vụ kiện này.
Đối với bà Nguyễn Thanh Thuần Trinh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được cụ Liêm lập di chúc cho nhà từ năm 1997 để làm nhà thờ tự chung có yêu cầu độc lập nhưng không có nộp tiền tạm ứng án phí nên Tòa không xem xét giải quyết trong vụ án này.
Về tiền sửa chữa nhà: Các đương sự cũng thỏa thuận không có yêu cầu Tòa án thành lập Hội đồng định giá phần sửa chữa nhà mà các đương sự đã sửa vào căn nhà các đương sự đang sử dụng nên Tòa án không tiến hành trưng cầu giám định và hội đồng định giá phần sửa chữa.
Bà Nguyễn Thị Nhã có lời khai có sửa chữa nhà số tiền là 100.000.000 đồng do không giải quyết phân chia di sản và công nhận sở hữu nhà cho ông Hà bà Tuyền nên không đạt ra giải quyết trả tiền sửa chữa nhà cho bà Nhã.
Ông Đạt khai cũng có sửa chữa nhà nếu công nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" hợp lệ cho ông Liêm và bà Tuyền thì ông cũng không lấy lại tiền sửa chữa nhà 20.000.000 đồng.
Bà Trinh cũng khai bà có sửa chữa nhà nếu công nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" hợp pháp cho ông Hà và bà Tuyền thì bà cũng không lấy lại tiền sửa chữa nhà.
Ông Huy là người được bà Trinh cho vào thuê phần diện tích sân của căn nhà để bán cà phê, ông sửa chữa ở phần sân nhà là 55.000.000đồng bà Trinh có di chúc của cụ Liêm cho bà căn nhà để thờ cúng bà không có đòi lại mặt bằng ở ông Huy nên không xem xét giải quyết ở vụ kiện này.
Đối với ông Hà bà Tuyền tự động chuyển vào nhà để ở không có ý kiến của Tòa án và Tòa án cũng không cho ông sửa chữa nhà nhưng ông có sửa chữa nhà giá tiền là 117.925.000 đồng do vậy phần sửa chữa của gia đình ông, ông cũng đồng ý nếu ông không được chấp nhận "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự Ủy quyền nhà ngày 30/11/1987 là hợp pháp cho ông, thì ông cũng không lấy lại tiền sửa chữa nhà ở các người thừa kế của ông Liêm.
Ông Hà cũng cam kết nếu khi ông và gia đình được công nhận văn tự cho nhà, văn tự ủy quyền thừa kế nhà là hợp pháp, ông được làm chủ quyền nhà, thì ông đồng ý trả lại tiền sửa chữa nhà cho bà Nhã, ông Huy, ông Đạt, bà Trinh để ông đi làm chủ quyền nhà.
Đối với Ngân hàng nhà nước đề nghị xem xét về căn nhà để ông Hà và Ban tín dụng phải trả số tiền còn lại cho Ngân hàng xét thấy căn nhà ông Hà bà Tuyền đem thế chấp là chưa hợp lệ, nhà chưa có giấy tờ hợp lệ của cụ Liêm, vợ chồng ông Hà đem giấy tờ "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" và "Văn tự ủy quyền nhà" nhà thế chấp cho Ngân hàng không có ý kiến của cụ Liêm là trái với quy định của pháp luật nên hợp đồng thế chấp nhà giữa ông Hà bà Tuyền với Ngân hàng cũng không hợp pháp bị vô hiệu. Hiện nay bà Trinh đang giữ 2 tờ bản chính "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987.
Ông Hà phải bằng tài sản của ông Hà bà Tuyền trả lại cho Ngân Hàng, không thể lấy căn nhà thế chấp để bán trả cho Ngân hàng được vì giấy tờ thế chấp không hợp lệ. khi ông Hà trả xong số tiền còn nợ cho Ngân hàng thì Ngân hàng sẽ trả lại giấy tờ ông thế chấp cho Ngân hàng nhưng các giấy tờ này cũng không có giá trị vì giấy tờ này không hợp lệ. Riêng giấy phép xây dựng do Đô trưởng Sài Gòn cấp cho ông Liêm "Bản chính" hiện nay các con ông Liêm đang quản lý, Ngân hàng không có bản chính giấy tờ này.
Bởi các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 3 Điều 25, Điều 131, Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự;
Áp dụng vào Điều 18 Nghị quyết 1037/NQ-UBTVQH ngày 27 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia;
Áp dụng Điều 465 Bộ luật dân sự năm 2005;
Áp dụng điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/CP của Chính Phủ về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
Tuyên bố "Văn tự chuyển quyền sở hữu cho con" ngày 02/9/1987 và "Văn tự ủy quyền nhà" ngày 30/11/1987 về căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh (nay là số 36/14 Kinh Dương Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) do cụ Nguyễn Thanh Liêm ủy quyền tặng cho bà Nguyễn Ngọc Tuyền và ông Lê Văn Hà là không hợp lệ cần được hủy bỏ.
Bác yêu cầu của ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền xin được sở hữu căn nhà 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh (Nay là số 36/14 Kinh Dương Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh).
Buộc ông Lê Văn Hà, bà Nguyễn Ngọc Tuyền và các con ông Hà là Lê Chí Khang, Lê Chí Kha tự động vào chiếm nhà từ năm 2011 phải trả lại diện tích nhà đang sử dụng cho các thừa kế của cụ Liêm.
Giao căn nhà số 578/12 Hùng Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh (nay là số 36/14 Kinh Dương Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cho ông Nguyễn Thành Đạt đang ở để quản lý và sử dụng.
Khi các đương sự tranh chấp thừa kế thì sẽ giải quyết bằng vụ kiện khác khi có đơn và nộp tiền tạm ứng án phí.
Về tiền sửa chữa nhà của ông Hà bà Tuyền và bà Nhã ông Huy, ông Đạt không đặt ra giải quyết với nhau vì ông Hà bà Tuyền và các con ông Hà không yêu cầu lấy lại tiền sửa chữa khi không được công nhận "Văn tự tặng cho", "Văn tự ủy quyền thừa kế" hợp pháp căn nhà của ông bà.
Đối với tiền ông Hà còn thiếu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam không giải quyết trong vụ kiện này. Ông Hà phải tiếp tục giải quyết trả cho Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Về số tiền 4 lượng vàng 24K ông Hà bà Tuyền đưa cho cụ Liêm để chuộc nhà thờ và vườn trái cây ở xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang không giải quyết trong vụ kiện này.
về án phí dân sự sơ thẩm: 47.000.000đồng ông Lê Văn Hà và bà Nguyễn Ngọc Tuyền phải chịu được trừ vào số tiền 3.750.000 đồng ông Hà đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 005011 ngày 04/7/2002 của Đội Thi hành án Quận 6. Ông Hà bà Tuyền còn phải nộp thêm 43.250.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Riêng đối với các đương sự vắng mặt kể từ ngày tống đạt hợp lệ bản án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Nơi nhận:
- Tòa án nhân dân tối cao;
-VKSND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Thi hành án dân sự có thẩm quyền;
- Các đương sự;
- Lưu VP, hồ sơ vụ án
|
TM HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM
THẨM PHÁN CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Nguyễn Văn Đình
|
BÌNH LUẬN BẢN ÁN.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc
ĐƠN KÊU OAN
(Bản án sơ thẩm kết luận oan sai)
KÍNH GỞI: - ÔNG CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HỒ CHÍ MINH.
- ÔNG VIỆN TRƯỠNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TP. HỒ CHÍ MINH
- ………………………………………………………………………………..
Kính thưa Quý Lãnh đạo,
Tôi tên Lê văn Hà, 65 tuổi, CMND số 250014077 cấp tại CA Lâm đồng.
Thường trú tại: 49A Hai Bà Trưng, TP Đalạt, Tỉnh Lâm đồng.
Là nguyên đơn vụ án do Thẩm phán Nguyễn văn Đình thụ lý số 1855/DSST ngày 01/10/2002
Chúng tôi làm đơn kêu oan về việc Thẩm phán Nguyễn Văn Đình ra bản án sơ thẩm số 664/2014/DS- ST ngày 10/6/2014 có quá nhiều sai sót cụ thể như sau:
VỀ NỘI DUNG VỤ KIỆN
1) Nguyên đơn không yêu cầu được công nhận 2 văn tự ngày 02/9/1987, 30/11/1987 (như bản án nêu) mà yêu cầu được công nhận giao dịch dân sự tặng cho nhà giữa vợ chồng cụ Liêm cụ Tuyết và vợ chồng ông Hà bà Tuyền. Nguyên đơn không đi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu năm 1987 (như bản án nêu), mà là bị đơn đi làm, khi hoàn tất thủ tục tại Quận 6 (mất hết 1 năm) bị đơn đem lên Đalạt bàn giao cho nguyên đơn (BL số: 164 và lời khai của ông Đạt tại Tòa)
2) Năm 1974 cụ Liêm và cụ Tuyết không có tờ cam kết ly thân với nhau (như bản án nêu), mà có tờ cam kết thỏa thuận ly hôn nộp cho Tòa án Gia Định (chế độ cũ) để xin ly hôn, Trát truyền rao ly hôn ngày 27/3/1975 của Tòa án Gia định (bản án nêu đã ly hôn)chưa có hiệu lực thì chế độ cũ bị giải phóng (án ly hôn không hiệu lực thi hành nên không phải là giấy tờ hợp lệ để cụ Liêm được trọn quyền sở hữu căn nhà tại Khoản 4, chương I, QĐ 6280/QĐ-UB-QLĐT của UBND TP HCM)
3) Cụ Tuyết chết nhưng Tòa không đưa người thừa kế cụ Tuyết tham gia tố tụng.
4) Ngày 02/9/1987 cụ Liêm lập văn tự chuyễn quyền sở hữu có sự chứng kiến và đồng ý của cụ Nguyên (vì trước khi xin ly hôn cụ Liêm làm giấy giao nhà cho cụ Nguyên) và sự đồng ý của cụ Tùng với tư cách là chủ hộ khẩu (chứ không phải của cụ Nhã như bản án nêu).
5) Ngày 08/6/1089 bà Tuyền không có tờ trình nào gời Sở nhà đất hết : nội dung nầy do Thẩm phán tự ý áp đặt
6) Ngày 18/10/1989 , cụ Tuyết có làm giấy giao nhà…Nhưng không có việc “cụ Liêm đã đem giấy tờ đến Sở nhà đất nhưng không được Sở nhà đất chấp nhận (như bản án nêu) bởi vì cụ Liêm đã thừa nhận khi hoàn tất thủ tục tại Quận 6 (mất hết 1 năm)cụ Liêm kên Đalạt bàn giao giấy tờ cho nguyên đơn.
7) Ngày 01/11/1987 bà Tuyền có “Đơn xin nhận nhận ủy quyền nhà” có nội dung nhận quyền thừa kế : nội dung này do Thẩm phán tự áp đặt ý chí của mình trái với ý chí của 2 bên nguyên và bị đơn tại bút lục số 164 với nội dung “mục đích các văn tự là để chuyễn quyền sở hữu”. Bởi vì vào thời điểm 1987 “Đơn xin nhận ủy quyền nhà” có nghĩa là “Đơn xin chuyễn quyền sở hữu nhà cho người thụ ủy” ( Quyết định 6280/QĐ-UB-QLĐT ngày 26/8/1995 của UBND TP HCM, Quyết định 1488/QĐ-UB-QLĐT ngày 17/5/1994 của UBND TP HCM)
8) Ngày 30/11/1987 ông Liêm có “Văn tự ủy quyền nhà” tức “chuyển quyền sở hữu nhà” như trình bày ở trên, nhưng thẩm phán áp đặt “ nội dung ủy quyền thừa kế cho con” là không đúng ý chí của 2 bên nguyên bị đơn ; Văn tự nầy đã được UBND Phường 13, Q6, TP HCM chứng nhận việc “ủy quyền nhà” ngày 14/3/1988 (chứ không phải UBND Phường 13 “Xác nhận chữ ký của ông Liêm” như Thẩm phán đã áp đặt).
9) Năm 1991, theo quy định của Nhà nước ông Hà thế chấp toàn bộ giấy tờ ”chuyển quyền sở hữu nhà” gồm 9 loại giấy tờ cho Ngân hàng nhà nước Lâm đồng, (chứ không phải thế chấp 2 văn tự ngày 02/9/1987 và ngày 30/11/1987 như bản án nêu); để Hợp tác xã tín dụng Hòa bình vay tiền Ngân hàng chi trả cho dân (chứ không phải ông Hà vay, và buộc ông Hà phải trả nợ như bản án nêu); Nay ông Hà yêu cầu được công nhận giao dịch dân sự giữa vợ chồng cụ Liêm và vợ chồng ông Hà gồm 9 loại giấy tờ thế chấp ngân hàng nêu trên (chứ không phải ông Hà yêu cầu được công nhận hai văn tự độc lập với nhau như bản án nêu).
VỀ PHẦN XÉT THẤY
10) Thẩm phán áp đặt lời khai không phải của cụ Tùng ở trong nước, để cho đó là lời khai của cụ Nhung và cô Nhã (con cụ Nhung) là 2 người ở nước ngoài để bản án nhận định là có liên quan đến vụ án (cụ Tùng, cụ Nhung, cô Nhã không khai cụ Nhung bỏ tiền xây nhà, chỉ có lời của cô Trinh là cụ Nguyên cha cô Trinh bỏ tiền xây nhà). Tòa chưa làm rõ sự liên quan cụ Nhung, cô Nhã với vụ án.
11) Cụ Nhung và cô Nhã (con cụ Nhung) xuất cảnh sau ngày 1/7/1991 (cụ Nhung xuất cảnh năm 1993, cô Nhã xuất cảnh năm 2007) mà Thẩm phán giải quyết vụ án theo quy định của Nghị quyết 1037/UBTVQH ngày 1/7/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội có người Việt nam định cư ở nước ngoài, mà lẽ ra Thẩm phán giải quyết vụ án theo Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991, đã được quy định tại Công văn số 91/TANDTC-KHXX ngày 28/06/2011 của Tòa án nhân dân tối cao “ Về việc áp dụng nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban thường vụ quốc hội.
Kính thưa Quý Lãnh đạo, Với vụ án do Thẩm phán Nguyễn văn Đình thụ lý từ năm 2002 đến nay là 13 năm mới đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu, để ra một bản án không đúng với yêu cầu của nguyên đơn, nội dung vụ kiện không đúng hồ sơ và lời khai thừa nhận của các đương sự tại hồ sơ cũng như tại phiên Tòa, không đúng với nội dung v/v Ủy thác tư pháp của Tòa án trước đó, và Thẩm phán đã áp dụng Pháp luật không đúng với Hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao,…Vì quá bức xúc nên chúng tôi mới xin mạnh dạn làm đơn này Kính kính trình lên Quý Lãnh đạo xem xét để có biện pháp giúp đở cho người dân chúng tôi bớt oan sai, Trân trọng kính chào và cảm ơn sâu sắc Quý Lãnh đạo.
Đàlạt, ngày 08 tháng 7 năm 2014
Xin đính kèm: Kính đơn
- Bản án sơ thẩm
- CV 424/TATP- THC, 09/5/2011
- Tài liệu về giao dịch tặng cho và
Chuyển quyền sở hữu.
Lê văn Hà Nguyễn ngọc Tuyền