Mang thai hộ là vấn đề mà Luật hôn nhân và gia đình hiện hành đang “bỏ trống”, bởi vậy thực tế nảy sinh ra những vấn đề rắc rối. Đứa bé sẽ thuộc về con của ai? Người cho trứng hay người mang thai hộ, trong khi đứa bé sinh ra cùng tim cùng nhịp đập với người mang thai hộ. Người mang thai hộ cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì về sức khỏe, nhân thân… Và có nên cho phép mang thai hộ hay không?
Có quan điểm cho rằng: cần nghiêm cấm việc mang thai hộ vì đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, có thể mang lại nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội, mặt khác cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Quan điểm khác thì cho rằng: Nhà nước cần cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, pháp luật phải quy định chặt chẽ, cụ thể các điều kiện đối với người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác có liên quan đến việc mang thai hộ.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra có nên cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại hay không? Khi mà người đó chẳng có người thân thích nào để nhờ mang thai hộ, vì vậy họ phải thuê người khác mang thai, tất cả cũng chỉ vì quyền được làm mẹ, làm cha. Bởi vậy để đảm bảo quyền thiêng liêng được làm cha, làm mẹ cho những người không may bị “khiếm khuyết” thì cần phải công nhận mang thai hộ vì mục đích thương mại trong phạm vi nhất định.
Đây là điều mà dự thảo Luật sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình cần nhìn nhận một cách cẩn trọng.