Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng cần có quy định để ngăn ngừa khả năng xảy ra trục lợi cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện.
Ngăn ngừa cá nhân trục lợi từ hoạt động từ thiện - Minh họa
Chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Bà nhấn mạnh, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Đặc biệt, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật về vấn đề này.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, năm 2021, tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 87,05% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,6%). Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam) còn nhiều vi phạm. Vẫn còn 12 trường hợp bị cơ quan điều tra khởi tố oan.
Liên quan đến báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC trong công tác của ngành kiểm sát, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2021, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh tiếp tục vượt cao so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKSND; 85 vụ án TAND trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới (VKSND đã khởi tố 23 vụ theo yêu cầu). Trong giai đoạn xét xử, vẫn còn 32 trường hợp VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; 38 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.
XUÂN TRƯỜNG - QUANG TUYỀN
Nguồn: VTC News