Chào bạn, với câu hỏi của bạn tôi xin được trả lời như sau
Hợp đồng là một cam kết thỏa thuận giữa các chủ thể để làm hay không làm một việc nào đó trong khuôn khổ của pháp luật.
Ở Việt Nam hiện nay có ba loại hợp đồng cơ bản là HĐ Dân sự, HĐ Kinh Tế, HĐ Lao động.
Trong mỗi loại HĐ lại có những Luật riêng để điều chỉnh. VD: HĐ Dân sự bộ luật Dân sự 2005, HĐ Kinh tế có luật Thương Mại, HĐ Lao động có Luật Lao động.
I/ Hợp đồng dân sự
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự là tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này.
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
II/ Hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa (i) Pháp nhân với pháp nhân; (ii) Pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản và không trái pháp luật.
Hợp đồng kinh tế được ký kết bằng văn bản, tài liệu giao dịch: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng.
Hợp đồng kinh tế được coi là đã hình thành và có hiệu lực pháp lý từ thời điểm các bên đã ký vào văn bản hoặc từ khi các bên nhận được tài liệu giao dịch thể hiện sự thoả thuận về tất cả những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác đối với từng loại hợp đồng kinh tế.
III/ Hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
(i) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
(ii) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng;
(iii) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thoả thuận hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết hợp đồng lao động mới thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng./.
Đối với điều khoản trong mỗi loại hợp đồng cụ thể tùy từng giao dịch để xác định luật áp dụng. VD: Trong hợp đồng kinh tế về mua bán hàng hóa Luật thương mại điều chỉnh, hợp đồng xây dựng do luật xây dựng điều chỉnh…
Như vậy, để các HĐ được đảm bảo đúng, đủ, phòng tránh được những rủi ro trong các giao kết hợp đồng cần phải là người có chuyên môn vững vàng về pháp lý mới đảm bảo được các tiêu chí trên, bởi vậy, trước khi soạn thảo hợp đồng bạn phải nghiên cứu kĩ các quy định của pháp luật có liên quan đến loại hợp đồng đó hoặc nhờ tham vấn của các đơn vị tư vấn luật phòng tránh những rủi ro cho cơ quan và trách nhiệm của bạn sau này.
Phạm Thùy Dung- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
website: http://phamlaw.com/
Tư vấn miến phí- Di động :097.393.8866