Chào bạn,
Bạn có hỏi là phần phụ cấp ấy có được nói tới trong hợp động lao động hay không?
Theo quy định tại Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động có quy định về hình thức, nội dung và loại hợp đồng lao động trong đó”
Về hình thức hợp đồng lao động được quy định cụ thể như sau: “Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng phải ký kết bằng văn bản theo Mẫu số 1 kèm theo Thông tư này. Người sử dụng lao động chuẩn bị hợp đồng lao động theo mẫu quy định trên khổ giấy A4 và đóng dấu giáp lai giữa các trang để sử dụng trong đơn vị”
Theo đó Mẫu số 1 Hợp đồng lao động ở Điều 3 Nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động có ghi nhận nội dung “phụ cấp” như sau:
“Điều 3: Nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động
1. Quyền lợi:
- Phương tiện đi lại.làm việc (7):
- Mức lương chính hoặc tiền công (8):
- Hình thức trả lương:
- Phụ cấp gồm (9):
- Được trả lương vào các ngày....... hàng tháng.
- Tiền thưởng:
- Chế độ nâng lương:
- Được trang bị bảo hộ lao động gồm:
- Chế độ nghỉ ngơi (nghỉ hàng tuần, phép năm,lễ tết...):
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (10):
- Chế độ đào tạo (11):
Những thỏa thuận khác (12):
2. Nghĩa vụ:
- Hoàn thành những công việc đã cam kết trong hợp đồng lao động.
- Chấp hành lệnh điều hành sản xuất-kinh doanh, nội quy kỷ luật lao động, an toàn lao động....
- Bồi thường vi phạm và vật chất (13)”
và Mục hướng dẫn cách ghi hợp đồng lao động ở phần phụ cấp như sau:
“9. Ghi tên loại phụ cấp, hệ số, mức phụ cấp tại thời điểm ký kết hợp đồng lao động,
ví dụ: Phụ cấp trách nhiệm Phó trưởng phòng; Hệ số 0,3; Mức phụ cấp 63.000 đồng/tháng”.
Quy định về Phụ cấp lương tại mục 1 Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
"Doanh nghiệp được quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định đối với các công ty nhà nước để thu hút hoặc khuyến khích người lao động làm nghề, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn hoặc trong điều kiện, môi trường lao động độc hại, nguy hiểm hơn nhưng chưa được xác định trong các mức lương của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng.
Doanh nghiệp đăng ký các khoản phụ cấp lương cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương”.
Bạn hỏi: Vậy bây giờ tôi phải điền trong hợp đồng lao động như thế nào để doanh nghiệp đóng ít BH mà vẫn đúng Luật để đăng ký lao động cũng như đăng ký BH?XH
Tôi không thể trả lời chính xác được câu hỏi của bạn vì điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp cụ thể nên khó có đáp án chung. Tuy nhiên khi xây dựng thang lương bảng lương dùng làm căn cứ tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động, phụ cấp lương và làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bạn cần tham khảo các quy định sau:
1. Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ
2. Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định 114/2004/NĐ-CP (áp dụng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp)
3. Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định 114/2004/NĐ-CP. (áp dụng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam)
4. Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ
6. Thông tư số 36/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Khi xây dựng thang lương bảng lương dùng làm căn cứ tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động, phụ cấp lương và làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bạn cần lưu ý những điểm sau:
1. Chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%.
2. Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định
3. Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường.
4. Doanh nghiệp xác định và đăng ký mức lương tối thiểu kèm theo hệ thống thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.
Mức lương tối thiểu dùng làm căn cứ tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động; phụ cấp lương; đơn giá trả lương; tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của Pháp Luật Lao động.
Hy vọng với câu trả lời trên sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của bạn
Nếu có điều chi chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng liên lạc lại theo địa chỉ email: lsgiadinh@gmail.com bạn nhé.
Chúc bạn vui,
Cập nhật bởi lsgiadinh ngày 04/11/2010 10:08:32 AM
Cập nhật bởi GopGioThanhBao thêm link