Cách kiểm tra sim dưới tên mình? Trường hợp nào bị xử phạt vì sim "rác"?

Chủ đề   RSS   
  • #609732 20/03/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Cách kiểm tra sim dưới tên mình? Trường hợp nào bị xử phạt vì sim "rác"?

    Hiện nay, việc các thông tin cá nhân của người dân bị rao bán như một món hàng đã không còn xa lạ, từ đó dẫn đến tình trạng, một số người lợi dụng các thông tin trên đăng kí vào các sim có sẵn, biến chúng thành sim "rác". Vậy có cách nào để ta kiểm tra có bao nhiêu sim đã được đăng kí dưới tên mình. Và nếu vô tình có thì mình có bị xử phạt không?

    1. Cách kiểm tra sim có đăng ký với tên của mình không?

    Căn cứ Nghị định số 81/2016/NĐ-CP, quy định về điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông

    - Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được giao kết giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông.

    - Hợp đồng, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

    Do đó, theo pháp luật, người dân sử dụng sim đăng ký dịch vụ viễn thông bắt buộc phải đăng ký theo đúng quy định pháp luật.

    Tuy nhiên, như đã đề cập, do thông tin cá nhân của người dùng hiện nay bị đánh cắp dễ dàng, một số kẻ xấu đã lợi dụng thông tin ấy để đăng ký sim không chính chủ. Do đó, để kiểm tra bạn thông tin của bạn có đang được đăng ký tại các sim của nhà mạng hay không, hãy làm các bước sau đây:

    Bước 1: soạn tin nhắn TTTB số giấy tờ ( số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân) và gửi tới 1414.

    Bước 2: Kiểm tra xem thông tin trên thông báo gửi về.

    Lưu ý: 

    Đầu tiên, đây là tin nhắn hoàn toàn miễn phí.

    Thứ hai, nhà mạng sẽ trả tên của bạn kèm danh cách các số thuê bao đã đăng ký từ nhà mạng đó.
    Thứ ba, bạn cũng chỉ có thể tra cứu từ nhà mạng đang sử dụng, không thể kiểm tra từ các mạng khác.

    Ý nghĩa của việc làm trên giúp bạn biết được thông tin của mình đang được sử dụng cho những số thuê bao nào khác trong cùng một nhà mạng. Trong trường hợp thấy có thuê bao "lạ", hoặc thông tin cá nhân không đúng, bạn có thể liên hệ tổng đài để yêu cầu thay đổi và xử lý.

    2. Sự phiền toái của sim “rác’

    Việc sim rác được sử dụng hàng loạt trên thị trường với giá cực rẻ đã trở thành phương tiện của các đối tượng xấu với những hành vi cực kì ranh ma:

    Thứ nhất, bạn có thể bị “Spam” cuộc gọi đến mức khủng hoảng. Như đã nói, với việc thông tin của bạn đã bị bán, bạn sẽ trở thành “con mồi” của các Tele sale trong bất cứ ngành nghề nào.

    Thứ hai, bạn có thể đứng trước nguy cơ bị lừa đảo qua điện thoại. Những tin nhắn, cuộc gọi về những nội dung như “đòi nợ”, “xử phạt vi phạm giao thông giả mạo” đều là từ sim rác mà ra.

    Thứ ba, chính bạn còn có thể đối mặt với pháp luật vì sim “rác” mang thông tin của bạn khi chúng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

    Từ đó cho thấy, sim “rác” thật sự là một vấn nạn đau nhói và cần được giải quyết mạnh tay.

    3. Bị xử phạt vì sim “rác”?

    Căn cứ khoản 7 Điều 30 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định về hành vi mua bán sim đã được nhập sẵn thông tin (sim rác):

    Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Bán sim thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

    + Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

    + Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng sim đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho sim thuê bao không cần phải bẻ sim để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao.

    Như vậy, những trường hợp cố tình lợi dụng các thông tin của người dân để mua bán, trao đổi sim “rác” sẽ có thể bị phạt từ 30 triệu - 40 triệu đồng.

    Đối với người chủ tài khoản “vô tình” bị lấy cắp thông tin cũng tìm ẩn những rắc rối nhất định. 

    Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy định:

    - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

    - Mức phạt nặng nhất của tội này có thể lên đến tù chung thân.

    Sở dĩ đề cập vấn đề trên là bởi sim “rác” quá nhiều, có thể được sử dụng cho muôn vàn hoạt động khác nhau. Nếu chẳng may, sim “rác” được đăng ký bởi thông tin của bạn được sử dụng để lừa đảo hay thực hiện các hành vi phạm pháp khác, vô tình bạn sẽ bị kéo vào những rắc rối pháp lý, rất mất thời gian và công sức.

    Tổng kết lại, thay vì ngồi chờ rắc rối tìm đến, chúng ta hãy cố gắng ngăn chặn mọi cơ hội trục lợi từ sim “rác” bằng cách kiểm tra thông tin và sim điện thoại của chính mình. Bên cạnh đó, hiểu luật và biết luật để tránh các trường hợp bị phạt tiền oan uổng vì sim “rác”.

     
    1193 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn gryffin vì bài viết hữu ích
    admin (08/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận