Tình huống đặt ra là hai vợ chồng đều đang làm viên chức. Vậy điều kiện không xét thay đổi, chuyển công tác đối với trường hợp là nuôi con nhỏ dưới 36 tháng có áp dụng đối với cả hai vợ chồng hay không? Hay chỉ áp dụng cho người vợ mà thôi?
Trường hợp không biệt phái viên chức
Theo quy định tại Điều 36 Luật Viên chức 2010 thì biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức. Lúc này, việc biệt phái phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
- Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.
- Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.
- Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
- Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
- Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Có thể nhận thấy trong các trường hợp trên có nêu rõ thông tin là không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Do đó, tuy hai vợ chồng cùng là viên chức nhưng chỉ có người vợ là không bị biệt phái khi nuôi con dưới 18 tuổi mà thôi. Lúc này, người chồng có thể trao đổi với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập để trình bày nguyện vọng, mong muốn của mình khi có thông tin về biệt phái.
Chuyển đổi vị trí công tác định kỳ đối với viên chức
- Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
- Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp không bị chuyển đổi và được nêu cụ thể tại Điều 38 như sau:
- Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật.
- Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
- Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái.
- Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.
Cũng tương tự như đối với biệt phái thì viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí việc làm định kỳ nếu là phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi sẽ chưa thực hiện. Còn đối với nam giới (người chồng) thì chỉ ngưng thực hiện khi đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác mà thôi. Vì vậy, trong trường hợp thông thường thì người chồng vẫn phải tiến hành chuyển đổi.