Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và nguyên tắc áp dụng

Chủ đề   RSS   
  • #615928 31/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 463 lần


    Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và nguyên tắc áp dụng

    Có bao nhiêu hình thức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay? Nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt đó là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Vi phạm hành chính là gì?

    Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

    Như vậy, có thể hiểu, vi phạm hành chính là hành vi sai trái trong quản lý nhà nước, có tính chất nghiêm trọng nhưng không đến mức bị truy cứu hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương trong xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đồng thời khuyến khích việc tuân thủ pháp luật.

    (2) Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay

    Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

    Theo đó, các hình thức xử phạt hành chính hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 bao gồm:

    - Cảnh cáo

    - Phạt tiền

    - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

    - Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

    - Trục xuất

    Các hình thức xử phạt này nhằm mục đích răn đe, giáo dục và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra, đồng thời bảo đảm trật tự, kỷ cương trong xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

    (3) Nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.

    Hình thức xử phạt tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm; và trục xuất có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.

    Tuy nhiên, tại Điều 4 Nghị định 81/2013/NĐ-CP có quy định, việc quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào Điều 21, Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

    Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định, mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính và có thể có một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.

    Nhưng cần lưu ý, hình thức xử phạt bổ sung phải được được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

    (4) Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là gì?

    Theo quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

    - Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

    - Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

    - Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

    -  Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định;

    - Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần;

    - Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó;

    - Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

    - Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

    - Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

    - Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012

    - Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

    - Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

    - Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

    Các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được đưa ra nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan và hiệu quả. Việc xử phạt phải dựa trên bằng chứng cụ thể, căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm.

    Người bị xử phạt có quyền được bảo vệ và có thể khiếu nại nếu cho rằng quyết định xử phạt là không đúng.

     
    201 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận