Cá nhân chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần phát sinh nghĩa vụ thuế khi nào?

Chủ đề   RSS   
  • #609271 12/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27118
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 562 lần


    Cá nhân chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần phát sinh nghĩa vụ thuế khi nào?

    Hiện có khá nhiều thắc mắc xoay quanh việc xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế của cá nhân chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần và cách tính của chúng. Bài viết sau đây sẽ phần nào làm rõ về những thắc mắc này.

    (1) Thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế của cá nhân chuyển nhượng vốn

    Căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về thời điểm xác định thu nhập tính thuế của cá nhân chuyển nhượng vốn như sau:

    “Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.”

    Như vậy, thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế của cá nhân chuyển nhượng vốn bằng hợp đồng chuyển nhượng là thời điểm mà hợp đồng chuyển nhượng đó có hiệu lực. Trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm mà cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

    (2) Thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế của cá nhân chuyển nhượng cổ phần

    Trước tiên, để làm rõ thì theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC quy định về thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán bao gồm: 

    Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán 2019. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ Phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán 2019Điều 120 của Luật doanh nghiệp 2020.

    Đồng thời, tại Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

    Chính vì thế, việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được dựa theo Quy định về thời điểm xác định nghĩa vụ thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán tại Điểm c Khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

    - Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

    - Trường hợp không thực hiện trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán thì thời điểm xác định là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

    - Trường hợp chuyển nhượng cổ phần bằng hợp đồng thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế cũng tương tự như với chuyển nhượng vốn là thời điểm mà hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực.

    - Trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

    Như vậy, thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế của cá nhân chuyển nhượng cổ phần bằng hợp đồng là thời điểm mà hợp đồng có hiệu lực. Trường hợp việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện trên giao dịch của thị trường chứng khoán thì sẽ phụ thuộc vào việc chuyển nhượng đó có được thực hiện trên Sở Giao dịch chứng khoán hay không để xác định thời điểm. Trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

    (3) Cách tính thuế TNCN của cá nhân chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng cổ phần

    Đối với cá nhân chuyển nhượng vốn:

    Công thức:

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp x 20% (Thuế suất)

    Cụ thể:

    Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp nêu trên được xác định bằng cách lấy giá bán phần vốn góp trừ đi giá mua và các chi phí liên quan.

    Trường hợp hạch toán kế toán bằng ngoại tệ: Giá bán và giá mua sẽ được tính bằng ngoại tệ. 

    Trường hợp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam: Giá bán (bằng ngoại tệ) sẽ được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.

    Đối với cá nhân chuyển nhượng cổ phần:

    Công thức:

    Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x 0,1% (Thuế suất)

    Cụ thể, giá chuyển nhượng phần chứng khoán nêu trên được xác định như sau:

    Đối với cổ phiếu niêm yết: Giá thực hiện tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Giá này được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

    Đối với cổ phiếu không niêm yết: Giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có cổ phần chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định.

    Tổng kết lại, thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế của cá nhân chuyển nhượng vốn là từ khi hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực. Trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm mà cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn. Đối với cá nhân chuyển nhượng cổ phần thì xác định thời điểm tính thu nhập chịu thuế như hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.

     
    2380 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận